259 huyện, 6.191 xã trong cả nước có thể sáp nhập
- Cập nhật: Thứ ba, 10/7/2018 | 3:15:23 PM
Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ Phan Văn Hùng cho biết hiện cả nước có 259 huyện, 6.191 xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cần sắp xếp lại theo Nghị quyết 18 Trung ương 6.
Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ Phan Văn Hùng.
|
Sáng nay, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo góp ý kiến xây dựng đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ nay đến năm 2021.
Mỗi năm tăng 50 xã
Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Văn Hùng cho hay, trong 30 năm, từ 1986 - 2016, số đơn vị hành chính cấp huyện từ 431 đã tăng lên 713 (tăng 277 đơn vị); đơn vị hành chính cấp xã tăng từ 9.657 lên 11.162 (tăng 1.505 đơn vị, bình quân mỗi năm tăng 50 xã). Con số này giữ nguyên cho đến nay.
Quá trình chia, tách đơn vị hành chính đã đạt được một số kết quả tích cực, thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội...
Tuy nhiên, có một số bất cập và hạn chế. Cụ thể, bộ máy các cơ quan nhà nước ngày càng cồng kềnh, tăng biên chế cán bộ, công chức, viên chức. Chi ngân sách nhà nước tăng, do tăng biên chế và quỹ tiền lương xây dựng trụ sở, mua sắm mới trang thiết bị làm việc, tăng chi thường xuyên.
Việc này cũng gây ra nhiều khó khăn trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội tầm vĩ mô, làm cho không gian phát triển bị chia cắt, manh mún, phân tán các nguồn lực, tiềm năng của địa phương cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong điều kiện TƯ đang đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Đồng thời làm ảnh hưởng đến quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng của cả nước; gây xáo trộn đến đời sống nhân dân trong việc thay đổi giấy tờ; thủ tục địa chỉ, nơi làm việc đối với số lượng không nhỏ cán bộ, công chức, làm chia, tách không gian văn hóa – xã hội.
Hàng ngàn xã chưa đủ chuẩn
Theo ông Hùng, dựa vào tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã theo Nghị quyết 1211/2016 của UB Thường vụ QH, hiện nay có 259 huyện, 6.191 xã trong cả nước chưa đạt 50% tiêu chuẩn.
Cụ thể số huyện chưa đủ chuẩn 259/713 đơn vị, chiếm 36,33%. Trong đó có 199 huyện (gồm 71 huyện miền núi, vùng cao; 120 huyện đồng bằng, trung du; 8 huyện hải đảo), 21 quận, 23 TP thuộc tỉnh và 16 thị xã.
Số xã chưa đủ chuẩn có 6.191/11.162 đơn vị, chiếm 55,46%. Trong đó có 5.106 xã (gồm: 1.922 xã miền núi vùng cao; 3.173 xã đồng bằng, trung du; 11 xã hải đảo), 794 phường va 291 thị trấn.
Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cho hay, Nghị quyết 18 TƯ 6 khoá 12 yêu cầu, đến năm 2021 sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên; từ năm 2022 - 2030, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo tiêu chuẩn quy định.
Vì vậy, các đơn vị hành chính cấp huyện, xã chưa đạt tiêu chuẩn sẽ phải sắp xếp lại. Nguyên tắc sắp xếp phải bảo đảm công khai, dân chủ, lấy ý kiến cử tri của địa phương; thực hiện đúng quy trình, thủ tục. Trong đó ưu tiên sáp nhập nguyên trạng một đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt tiêu chuẩn vào một đơn vị hành chính cùng cấp liền kề.
Trường hợp đặc biệt liên quan đến các yếu tố về Ịịch sử, truyền thống, văn hoá, phong tục, tập quán, điều kiện địa địa lý tự nhiên, cộng đồng dân cư và tình hình, điều kiện cụ thể có thể điều chỉnh, chia tách một số đơn vị hành chính cấp xã hoặc một số thôn, tố dân phố để sáp nhập vào các đơn vị hành chính cùng cấp khác. Việc này nhằm bảo đảm đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, dân số theo quy đinh.
Về lộ trình thực hiện, trong năm nay, các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ xây dựng xong đề án.
Năm 2019, bố trí nguồn kinh phí cần thiết cho việc xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Trong đó có việc sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư do sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính.
Năm 2020, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại chưa đạt 50% tiêu chuẩn diện tích tự nhiên, dân số; sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư.
Các tin khác
Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) đề nghị các cơ quan báo chí hỗ trợ công bố điểm thi nhưng phải thực hiện theo nguyên tắc cung cấp miễn phí cho các thí sinh có nhu cầu tra cứu.
29 trong 33 học sinh Việt Nam dự thi Toán học trẻ quốc tế BIMC đạt giải cá nhân, trong đó 5 em giành huy chương cao nhất.
Ngày 9/7, trong khuôn khổ Diễn đàn Chính trị Cấp cao của Hội đồng Kinh tế-Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC), Việt Nam và Phần Lan đã đồng tổ chức sự kiện "Quản lý Rủi ro trong Cung cấp Nước và Vệ sinh-Công cụ phần mềm và hợp tác công-tư" do Thứ trưởng Bộ Nông-Lâm nghiệp Phần Lan chủ trì.
Ngày 9-7, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 và đánh giá rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai trong đợt lũ quét, sạt lở đất xảy ra cuối tháng 6-2018 tại các tỉnh miền núi phía Bắc.