Thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là một trong những nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Thời gian qua, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng như: duy trì mức sinh hợp lý, cân bằng tỷ lệ giới tính và tỷ lệ tăng dân số tự nhiên được khống chế...
Với phương châm xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã tích cực tuyên truyền, lồng ghép mục tiêu dân số với phát triển thông qua các hoạt động và chương trình công tác của các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội nhằm nâng cao hiệu quả các mô hình, đề án truyền thông dân số.
Trong năm 2017, toàn tỉnh tổ chức thực hiện chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ tại 72 xã đặc biệt khó khăn, có mức sinh cao dưới nhiều hình thức như: 18 lượt xã tổ chức mít tinh cổ động và lễ phát động với 2.030 người tham gia; nói chuyện chuyên đề 68 lượt, 3.400 người tham gia; sinh hoạt nhóm, tổ được 382 lượt, 5.895 người tham gia; tư vấn, truyền thông tại hộ được 5.292 lượt...
Kết quả dịch vụ trong hoạt động truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng đạt kết quả cao như: thuốc tiêm tránh thai 1.427/ 1.200 ca, bằng 119% so với kế hoạch; thuốc uống tránh thai đạt 4.985/ 5.252 ca, đạt 95%; đặt vòng tránh thai 2.835/ 3.000 ca đạt 94,5%; bao cao su 2.283/ 2.526 ca, đạt 90%...
Đặc biệt, nhiều mô hình truyền thông về DS-KHHGĐ được triển khai đã phát huy được thế mạnh của mỗi ngành, đoàn thể về điều kiện của từng vùng và nhóm đối tượng như: mô hình can thiệp giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 24 xã của hai huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu; mô hình "Phụ nữ không sinh con thứ 3 giúp nhau làm kinh tế”; duy trì hoạt động định kỳ của 22 Câu lạc bộ (CLB) "Tư vấn, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân” tại 7/9 huyện, thị xã, thành phố; mô hình "Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh” tại 126/180 xã, phường, thị trấn; CLB Gia đình phát triển bền vững của Hội Phụ nữ; CLB Gia đình trẻ của Đoàn thanh niên… Các mô hình hoạt động đã thu hút hàng chục nghìn hội viên tham gia sinh hoạt thường xuyên.
Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông về Luật Hôn nhân và Gia đình; phòng, chống tình trạng tảo hôn trong đồng bào các dân tộc thiểu số; đẩy mạnh tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân, đã góp phần nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên tại cơ sở.
Mặc dù còn nhiều khó khăn trong thực hiện công tác dân số, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo DS-KHHGĐ các cấp và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ ngành, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Năm 2017, tỷ suất sinh thô giảm còn 17,9%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 10,7%; tỷ lệ tảo hôn tại hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải đều giảm từ 0,9% đến 1,9% so với năm 2016; số người thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại là 17.040/ 18.900 người, đạt 90% kế hoạch...
Mặc dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức như: tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở các vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc ít người còn cao; chỉ tiêu giảm sinh và giảm sinh con thứ 3 trở lên chưa đạt trong khi nhận thức của nhân dân về công tác DS-KHHGĐ còn hạn chế; tỷ lệ giới tính khi sinh có chiều hướng gia tăng, công tác tiếp thị, xã hội hóa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và cung cấp phương tiện tránh thai còn hạn chế.
Để khắc phục những tồn tại trên, cần có sự quan tâm, linh hoạt hơn nữa trong chỉ đạo điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, đầu tư mọi nguồn lực, huy động toàn xã hội và các tổ chức chính trị, tích cực triển khai thực hiện tốt các đề án, mô hình dân số; tập trung huy động mọi nguồn lực để duy trì đà giảm sinh, giảm sinh con thứ 3, giữ ổn định tỷ số giới tính khi sinh, đẩy mạnh việc xóa bỏ hoàn toàn tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết, nâng cao nhận thức cho nhân dân, đồng thời nâng cao chất lượng dân số đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Vũ Đồng