Đồng chí Vũ Tiến Đức – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, sáng ngày 20/7/2018, UBND huyện đã mời các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, cấp ủy phụ trách xã, thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn (PCTT -TKCN) huyện họp, bàn triển khai các phương án, thành lập các tổ công tác do các đồng chí Thường vụ Huyện ủy, cấp ủy phụ trách xã làm trưởng đoàn xuống cơ sở để tập trung chỉ đạo đối phó với hoàn lưu bão số 3.
Đồng chí Bí thư Huyện ủy và đồng chí Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo khắc phục tại các xã khu I (Nậm Có và Cao Phạ). UBND huyện ban hành Quyết định số 1249/QĐ-UBND ngày 20/7/2018 thành lập Sở Chỉ huy hiện trường TKCN, khắc phục hậu quả do mưa, lũ, sạt lở đất gây ra tại các xã, thị trấn trên địa bàn…”.
Ngay sau buổi họp nhanh, các đồng chí trong thành phần được phân công đã xuống cơ sở phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét kịp thời di dời người dân đến nơi an toàn.
Anh Lò Ngọc Thắng - Chủ tịch UBND xã Nậm Có thông tin nhanh: "Trong các ngày, 19, 20, 21/7, trên địa bàn xã, mưa rất to kéo dài, lũ từ đầu nguồn đổ về rất nhanh gây lũ quét, sạt lở đất, mất an toàn cho nhiều hộ dân sống ở gần khe, suối và dưới những chân đồi taluy cao. Trước tình đó, đồng chí Giàng A Tông – Bí thư Huyện uỷ đã xuống xã trực tiếp chỉ huy các lực lượng của huyện và xã di dời khẩn cấp 19 nhà do sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn; chỉ đạo các lực lượng tìm kiếm những người bị đất vùi lấp...”.
Tính đến 17 giờ ngày 24/7, trên địa bàn huyện đã có 5 người chết do sạt lở đất tại xã Nậm Có là chị Thào Thị Chù ở bản Huy Páo, anh Lý A Vàng, Lý A Vừ, Lý A Khua, ở bản Nậm Pẳng; chị Trang Thị Súa ở bản Phình Ngài.
Ngay trong ngày 20/7, huyện đã chỉ đạo lực lượng tại chỗ của xã tìm thấy thi thể 5 người chết, đồng thời thống nhất với các gia đình nạn nhân khẩn trương tiến hành các thủ tục mai táng, không để lâu ngày nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường.
Huyện đã hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 10 triệu đồng; hỗ trợ 20 nhà bị sập đổ hoàn toàn 25 triệu đồng/nhà; hỗ trợ 37 hộ có nhà phải di dời khẩn cấp 15 triệu đồng/nhà. Xuất 1.650 kg gạo cho các hộ gia đình có nhà bị sập đổ hoàn toàn; tiếp nhận 200 kg gạo, 300 thùng mì tôm và một số nhu yếu phẩm khác hỗ trợ các hộ gia đình bị thiệt hại…
Đến thời điểm này, huyện đã chỉ đạo di dời 135 hộ, trong đó có 57 nhà phải tìm đất di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Đến ngày 24/7, đã có 49/57 hộ tìm được đất để làm nhà. Chính quyền các xã Nậm Có, Cao Phạ, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình huy động lực lượng tại chỗ cùng với lực lượng của huyện giúp nhân dân dọn, dỡ 28 nhà cũ, tận dụng vật liệu, san tạo được 10 nền nhà, dựng được 3 nhà.
Các hộ phải di dời do nguy cơ sạt lở đất, lũ quét chưa tìm được đất để chuyển nhà, các lực lượng chức năng của huyện đã đưa người và tài sản đến ở tại các nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học...; cung cấp, hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu đảm bảo cuộc sống.
78 hộ ở xã Nậm Có, Cao Phạ, Khao Mang, Hồ Bốn ... phải di dời tạm thời, sau mưa lũ, chính quyền các xã kiểm tra đảm bảo độ an toàn đã cho các hộ về dọn, dẹp vệ sinh, ổn định cuộc sống từ ngày 22/7…
Mưa lũ đã làm 25 ha ruộng lúa bị vùi lấp, cuốn trôi; 350 m2 ao cá của 4 hộ tại xã Nậm Có bị cuốn trôi hoàn toàn; một hộ gia đình ở xã Nậm Có bị mất hết tài sản. Tuyến quốc lộ 32 bị sạt nhiều điểm tại đèo Khau Phạ, xã Cao Phạ và xã La Pán Tẩn; 5 tuyến giao thông trên địa bàn huyện bị sạt lở hàng nghìn mét khối đất, đá vùi lấp mặt đường; 64 công trình thủy lợi bị hư hỏng…Thiệt hại tạm ước do bão số 3 gây ra trên địa bàn huyện trên 27 tỷ đồng.
Hiện nay, huyện chỉ đạo các xã có các hộ gia đình bị thiệt hại do mưa, lũ tạm dừng các cuộc họp, huy động lực lượng tại chỗ cùng với các lực lượng của huyện giúp các hộ gia đình bị thiệt hại làm lại nhà ở, vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
Nguyễn Giang