Công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) là hoạt động không thể thiếu trong các nhà trường. Đây vừa là hoạt động giúp học sinh áp dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống, vừa là cách giúp các em tiếp cận, làm quen với phương pháp, kỹ năng NCKH.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, thời gian qua, ngành GD&ĐT tỉnh đã quan tâm, đẩy mạnh trong các nhà trường và đã có hàng trăm các dự án nghiên cứu, sáng tạo khoa học - kỹ thuật, sáng kiến kinh nghiệm phục vụ thiết thực cho công tác dạy và học.
Hưởng ứng Cuộc thi "Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Yên Bái” dành cho học sinh trung học, chỉ tính riêng trong năm học 2017 - 2018 đã có 84 dự án đăng ký thuộc các lĩnh vực: Hóa - Hóa Sinh, Sinh học - Môi trường, Vật lý - Cơ khí, Tin học - Khoa học máy tính, Khoa học xã hội - Hành vi, 57 dự án được thẩm định, trong đó có 19 dự án thuộc cấp THCS, 38 dự án thuộc cấp THPT của 24 đơn vị (gồm 8 phòng GD&ĐT và 16 trường THPT).
Kết thúc cuộc thi, đã có 35/57 dự án, đề tài tham gia đạt giải, trong đó có 2 giải Nhất, 6 giải Nhì, 8 giải Ba và 19 Khuyến khích. Theo đánh giá của ban tổ chức, các đề tài, dự án tham gia Cuộc thi đã ngày càng có chất lượng, đi sâu vào nghiên cứu, sáng tạo lớn, sát với thực tiễn cuộc sống.
Là điểm sáng trong hoạt động NCKH, từ nhiều năm qua, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành luôn xác định việc rèn luyện tư duy, tác phong làm việc khoa học cho học sinh, gắn kiến thức được học trong sách vở với thực tiễn đời sống là phương pháp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng phát triển năng lực của học sinh.
Do đó, các hình thức NCKH đã được nhà trường triển khai thường xuyên, đa dạng. Năm học 2017 - 2018 vừa qua, đề tài nghiên cứu "Hội chứng thao túng tinh thần trong học sinh THPT” của hai em Nguyễn Thị Thảo My và Phan Huyền Nhung học sinh của nhà trường đã được đánh giá cao và xuất sắc giành giải Ba tại Cuộc thi "Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia”.
Ở đề tài này, các em đã phát huy được khả năng quan sát thực tiễn, cách hành văn và triển khai ý tưởng. Đồng thời, thể hiện rõ tư duy của người làm khoa học trong việc xử lý các số liệu, dịch thuật các tài liệu bằng tiếng nước ngoài, từ đó đưa ra những vấn đề lý luận về cơ chế tâm lý, phương thức của hiện tượng thao túng và những ảnh hưởng của thao túng tinh thần trong đời sống học sinh THPT.
Hưởng ứng Cuộc thi, những năm gần đây, Trường Tiểu học và THCS xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn cũng đã có học sinh tham gia cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật các cấp. Sở dĩ làm được điều này là do Ban Giám hiệu và thầy cô giáo của nhà trường đã luôn tích cực, chủ động trong việc gợi mở, hướng dẫn các em làm NCKH.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hường, giáo viên Trường Tiểu học và THCS xã Thượng Bằng La, người được giao hướng dẫn học sinh NCKH cho biết: "Những ý tưởng dù nhỏ nhất của học sinh cũng được chúng tôi quan tâm, hỗ trợ, giúp các em hoàn thiện các giải pháp, công trình; hướng cho các em phương pháp làm việc nhóm; khơi gợi những ý tưởng mới thông qua các chủ đề khoa học, các buổi trải nghiệm thực tiễn, do đó, các em đã tự tin tham gia cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật các cấp”.
Hiện tại, công tác NCKH đã được nhiều trường học trên địa bàn tỉnh quan tâm, chú trọng. Các trường đã giao nhiệm vụ cụ thể cho giáo viên hướng dẫn học sinh làm các chuyên đề.
Sản phẩm của các em được nghiệm thu bởi giáo viên hướng dẫn rồi lựa chọn để trình bày trước tập thể lớp và tổ chuyên môn, được phản biện và rút kinh nghiệm. Trên cơ sở đó lựa chọn những đề tài khả thi để đầu tư thực hiện.
Từ hoạt động nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật, học sinh đã chủ động trong việc tìm ý tưởng, tài liệu, đồng thời phát huy khả năng sáng tạo trong việc vận dụng kiến thức vào nghiên cứu để tạo ra những đề án thiết thực với cuộc sống, phát huy được năng lực, trí tuệ, sức sáng tạo của cá nhân.
Do đó, công tác này đòi hỏi, đội ngũ cán bộ, giáo viên trong các trường học cần phải tích cực trau dồi, đổi mới phương pháp dạy và học nhiều hơn nữa, để từ đó có thể gợi mở trí sáng tạo của học sinh.
Hồng Oanh