Giáo dục - đào tạo thị xã Nghĩa Lộ: Phát triển phẩm chất, năng lực người học

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/9/2018 | 2:00:02 PM

YBĐT - Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" đã được thị xã Nghĩa Lộ đưa vào đời sống xã hội, đặc biệt là với ngành GD&ĐT.

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Quang Bích chăm sóc vườn hoa trong khuôn viên nhà trường.
Học sinh Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Quang Bích chăm sóc vườn hoa trong khuôn viên nhà trường.


Từ thực hiện Nghị quyết 29, chất lượng dạy và học được nâng lên, cơ sở vật chất, trang thiết bị được trang bị đầy đủ, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, trên cơ sở hướng dẫn chương trình, nhiệm vụ năm học của Bộ và Sở GD&ĐT, ngành GD&ĐT thị xã đã xây dựng phương hướng, nhiệm vụ chuyên môn từng năm học phù hợp thực tiễn của địa phương và khả năng học tập của học sinh, bảo đảm khung thời gian năm học; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục hai mặt, tăng cường dạy phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi; đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh.
 
Đồng chí Lò Thị Tuyết Dung - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã cho biết: "Các bộ phận chuyên môn của Phòng đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo cho các trường điều chỉnh và chỉ đạo các trường thực hiện tốt chương trình, nội dung giáo dục theo hướng thiết thực, phù hợp với đối tượng và tình hình thực tế ở đơn vị trường học nhằm phát triển năng lực người học. Thường xuyên kiểm tra việc chấm điểm bài kiểm tra của học sinh đối với giáo viên bộ môn; chú trọng công tác nhận xét, hướng dẫn, sửa sai đối với học sinh. Yêu cầu học sinh lưu trữ bài kiểm tra đầy đủ và cẩn thận...".
 
Hiện nay, tỷ lệ huy động bé đi nhà trẻ trên địa bàn đạt 22,5%; mẫu giáo đạt 98,4%; trẻ 5 tuổi đạt 100%; 100% trẻ em người dân tộc thiểu số có khả năng giao tiếp được bằng tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Tỷ lệ trẻ học đúng độ tuổi ở tiểu học đạt 99,8%, so với năm 2013 tăng 1,8%; 100% số trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS năm 2017 vào THPT là: 66,67%, so với năm 2013 tăng 1,67%. Tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia là 57,1%, so với năm 2013 tăng 19,6%; 100% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, so với năm 2013 tăng 33,4%; tỷ lệ trường THCS đạt chuẩn quốc gia là 71,4%, so với năm 2013 tăng 14,1%...
Cùng với đó, Phòng quan tâm chỉ đạo các trường thực hiện chủ trương soạn giảng theo hướng lồng ghép và tích hợp liên môn, dạy học theo chủ đề, rèn luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Đặc biệt, chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức gắn với điều kiện địa phương.
 
Tăng cường giáo dục thể chất quốc phòng, an ninh, dạy nghề và định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh; chú trọng việc dạy ngoại ngữ, tin học, bảo đảm thực hiện đủ nội dung chương trình theo quy định. Đến nay, thị xã đã củng cố, duy trì kết quả phổ cập giáo dục THCS, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) trẻ 5 tuổi.

Chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đã được các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể thị xã nghiêm túc tổ chức, quán triệt đến cán bộ, đảng viên, nhân dân. Cấp ủy chi bộ các nhà trường đã xác định được vai trò, vị trí quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết 29 gắn với các quy định của ngành và đã đạt được những kết quả cụ thể theo từng bậc học, trong đó đặc biệt coi trọng yếu tố phát huy phẩm chất, năng lực người học.
 
Với bậc học mầm non, hiện trên địa bàn thị xã có 8 trường, trong đó có 1 trường mầm non tư thục. Các trường mầm non đều triển khai thực hiện học 2 buổi/ngày theo Chương trình GDMN. Tỷ lệ nhóm, lớp học 2 buổi/ngày thực hiện Chương trình GDMN tiếp tục được mở rộng, đạt tỷ lệ 99,15%, tăng 2,82% so với năm học 2013-2014; 100% lớp mẫu giáo 5 tuổi thực hiện Chương trình GDMN và thực hiện đánh giá Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi.
 
Đối với cấp tiểu học, Phòng GD&ĐT thị xã tập trung chỉ đạo dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình; điều chỉnh nội dung phù hợp với yêu cầu đổi mới kiểm tra, đánh giá, phù hợp với đặc điểm tâm lý, sinh lý học sinh tiểu học; chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý. Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học, đổi mới phương pháp dạy học tiếng Anh. Một số trường có điều kiện đã tổ chức dạy 2 buổi/ngày.
 
Qua đó, giúp học sinh rèn luyện, thực hành, làm bài tập ngay tại lớp, giảm áp lực phải học thêm, học bài tại nhà. Với cấp THCS, các trường trên địa bàn thị xã tiến hành tổ chức và quản lý sinh hoạt chuyên môn trên website "truonghocketnoi.edu.vn", có 100% cán bộ quản lý, giáo viên và khoảng 50% học sinh các trường THCS, THPT được cấp tài khoản để trao đổi, truy cập hệ thống thông tin trên mạng, bước đầu tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo chủ đề và tổ chức dạy học, thảo luận với học sinh góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Các hoạt động phát triển năng lực học sinh được lãnh đạo Phòng GD&ĐT, các trường quan tâm chỉ đạo, tổ chức như: nghiên cứu khoa học kỹ thuật, vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn, thi tiếng Anh, giải Toán, tiếng Anh trên Internet, thi hùng biện tiếng Anh,... tạo tác động tích cực đến đổi mới cách dạy của thầy và cách học của trò.
 
Ở Nghĩa Lộ, mô hình trường học mới tại Trường TH&THCS Võ Thị Sáu luôn được địa phương và cơ quan chuyên môn quan tâm đảm bảo các điều kiện về đội ngũ và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để triển khai mô hình.
 
Cô giáo Đỗ Thị Thảo - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Võ Thị Sáu cho biết: "Thực hiện mô hình trường học mới, chúng tôi luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cha mẹ học sinh và cộng đồng hiểu rõ về bản chất và lợi ích của mô hình trường học mới, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
 
Cùng với được giao quyền chủ động trong việc xây dựng chương trình phát triển giáo dục, nhà trường điều chỉnh nội dung giáo dục phù hợp với đối tượng học sinh, điều chỉnh cách thức tổ chức lớp học để phát huy hiệu quả các phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại, phát triển năng lực học sinh".
 
Qua những kết quả thu được từ mô hình trường học mới tại Trường TH&THCS Võ Thị Sáu, thị xã Nghĩa Lộ khuyến khích các đơn vị trường còn lại vận dụng các thành tố tích cực như: hình thức tổ chức lớp học, phương pháp giảng dạy… vào việc dạy học tại đơn vị nhằm tăng cường khả năng vận dụng kiến thức, phát huy năng lực và sự sáng tạo của học sinh.
 
Bên cạnh đó, thị xã cũng thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt đối với các hiện tượng tiêu cực như: dạy thêm, học thêm, thu, chi không đúng quy định, bạo lực học đường, khắc phục bệnh thành tích trong thi cử, thành tích trong việc đánh giá, xếp loại…

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD&ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học đã góp phần để thị xã Nghĩa Lộ củng cố, duy trì kết quả phổ cập giáo dục THCS, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi; chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn được duy trì, củng cố và ngày càng được nâng lên. 
 
Đồng chí Trần Quốc Bình - Phó trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Nghĩa Lộ:

"Ngành GD&ĐT thị xã đã tổ chức hội nghị triển khai học tập Nghị quyết 29 cho lãnh đạo, chuyên viên của Phòng và hiệu trưởng các trường, đồng thời chỉ đạo tổ chức triển khai, quán triệt trong đội ngũ giáo viên các cấp học. Sau học tập, các cấp ủy đã tổ chức cho 100% cán bộ, đảng viên, giáo viên viết thu hoạch. Qua đánh giá chất lượng: 100% bài thu hoạch đạt yêu cầu, trong đó chất lượng khá, tốt chiếm trên 80%. Vì vậy, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, sự nghiệp GD&ĐT của thị xã Nghĩa Lộ đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ".

Cô giáo Bùi Thị Hoài - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng:

 "Thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29, bên cạnh tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ, Trường Mầm non Hoa Phượng đặc biệt quan tâm thực hiện Chương trình GDMN với mục tiêu giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp một".  

Thành Trung

Các tin khác
Xã Lâm Giang hiện có 1.500 hố rác gia đình, đạt tỷ lệ 70%.

YBĐT - Đến giữa năm 2018, toàn xã Lâm Giang, huyện Văn Yên đạt tỷ lệ 70% số hộ xây dựng hố rác, tương đương 1.500 hộ, kinh phí người dân tự lo khoảng 280 triệu đồng.

Cán bộ Đoàn xã Dế Xu Phình tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội tới đoàn viên thanh niên.

YBĐT - Nhằm phát huy vai trò của tuổi trẻ trong tuyên truyền phòng chống ma túy, Đoàn xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng mô hình "Xã không có thanh niên nghiện ma túy”. 

Thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở Nội vụ tặng hoa chúc mừng thầy và trò Trường THPT Chu Văn An nhân dịp khai giảng năm học mới.

YBĐT - Cùng với trên 23 triệu học sinh trong toàn quốc, thầy và trò các trường trên địa bàn tỉnh Yên Bái hôm nay cũng tưng bừng bước vào năm học mới.

Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên – Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng Trường TH&THCS Nguyễn Quang Bích nhân dịp khai giảng năm học mới 2018 - 2019.

YBĐT - Hòa chung niềm vui của học sinh cả nước đón chào năm học mới, sáng nay, tại các địa phương của tỉnh Yên Bái, thầy và trò các nhà trường đồng loạt tổ chức lễ khai giảng. Trong niềm vui hân hoan ấy, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã có mặt tại các điểm trường chung vui với thầy và trò nơi đến dự.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục