Là vùng đất cửa ngõ vùng Tây Bắc, Yên Bái là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em, nên đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tới trên 55% dân số. Nhìn chung các dân tộc ở Yên Bái sống quần cư, hòa thuận, đoàn kết, hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Hiện toàn tỉnh có 497 dòng họ; 1.181 già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ, người có uy tín tiêu biểu.
Hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng của dòng họ, nhất là trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, những năm qua, Ban Thường vụ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Yên Bái đã xây dựng chương trình, kế hoạch hướng dẫn tổ chức mặt trận các cấp, cũng như các ngành chức năng tổ chức phối hợp bồi dưỡng kiến thức về xóa đói giảm nghèo, phổ biến các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đối với đồng bào DTTS, tập trung vào các dòng họ, trưởng dòng họ, người có uy tín.
Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở, các dòng họ, trưởng dòng họ, người uy tín đã tích cực vận động các thành viên, giáo dục con cháu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, động viên các gia đình làm ăn, giữ gìn và phát huy truyền thống của dòng họ; tuyên truyền, vận động con cháu đẩy mạnh việc học tập nâng cao kiến thức dưới nhiều hình thức như: học tại trường lớp, trung tâm học tập cộng đồng, qua Internet…
Do đó, trong phong trào xóa đói giảm nghèo, dòng họ DTTS trong tỉnh đã tập trung vận động các gia đình tham gia tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, học nghề, chuyển đổi nhận thức không trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà đã chủ động tìm cho mình hướng phát triển kinh tế hộ phù hợp.
Từ vận động của dòng họ, nhiều gia đình của họ Vàng, họ Mùa, họ Sa, họ Hoàng, họ Triệu… ở Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên… đã biết áp dụng mô hình sản xuất hiệu quả làm giàu cho mình và giúp các hộ gia đình khác tại địa phương vươn lên thoát nghèo, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm rõ rệt: năm 2015 là 32,21%; năm 2017 còn 21,97%.
Bên cạnh việc thực hiện tốt, các trưởng dòng họ, người có uy tín còn tích cực vận động các gia đình trong dòng họ và cộng đồng dân cư tham gia các mô hình do MTTQ phát động như: khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường, khu dân cư tự quản không tái trồng cây thuốc phiện, khu dân cư văn hóa…
Đặc biệt, trong những năm gần đây, từ việc phát huy tốt vai trò của dòng họ, trưởng bản, người uy tín mà chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Đến giữa năm 2018, toàn tỉnh có 37 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 23,56% tổng số xã trong tỉnh, trong đó có 12 xã có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm trên 50%; 9/23 phường, thị trấn được công nhận là phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị…
Từ những kết quả trên, có thể khẳng định, dòng họ vùng DTTS đã và đang đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc; không ngừng đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững; khuyến học khuyến tài; xây dựng nông thôn mới…
Từ đó, làm thay đổi đời sống đồng bào DTTS nói riêng, góp phần trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới của tỉnh nói chung, đồng thời từng bước giảm sự chênh lệch, khoảng cách phát triển và đời sống giữa vùng thấp và vùng cao.
Dù vậy, vùng đồng bào DTTS trong tỉnh còn nhiều khó khăn do thiếu vốn, tư liệu sản xuất, chịu nhiều tác động của thiên tai… Đời sống của đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, chiếm tới 80% tổng số hộ nghèo trong tỉnh.
Để phát huy hơn nữa vai trò của dòng họ, trưởng dòng họ, người có uy tín trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa…, cùng với sự quan tâm của Trung ương về đầu tư nguồn lực phát triển, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần quan tâm ưu tiên, bố trí nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao mức sống cho đồng bào DTTS.
Trong đó, cần tăng cường chỉ đạo cơ sở thôn, bản tạo điều kiện thuận lợi để các dòng họ phát huy tốt vai trò của mình. Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện đối với người có uy tín, trưởng dòng họ trong thực hiện tốt các chế độ; bồi dưỡng, nâng cao kiến thức mọi mặt; đặc biệt là việc động viên, biểu dương và khen thưởng kịp thời để họ tiếp tục có những đóng góp xây dựng dòng họ cũng như địa phương phát triển.
Nguyễn Đình