Người “gieo hạt giống” tri thức

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/11/2024 | 1:55:48 PM

YênBái - Gần 30 năm đứng trên bục giảng và cũng bằng ấy năm cô giáo Hoàng Thị Mận, Trường Tiểu học và THCS số 1 Cảm Nhân, huyện Yên Bình luôn cống hiến hết mình, tích cực sáng tạo trong vai trò của “người đi gieo hạt” để khơi gợi niềm cảm hứng, niềm yêu thích học tập cũng như sự chủ động khám phá tri thức nơi học trò.

Cô Hoàng Thị Mận trong giờ lên lớp.
Cô Hoàng Thị Mận trong giờ lên lớp.

Năm 1995, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Tiểu học, cô Mận được phân công giảng dạy tại Trường Phổ thông cơ sở xã Tích Cốc, huyện Yên Bình. Đến năm 2009, cô luân chuyển về dạy tại Trường Tiểu học số 1 Cảm Nhân. Từ năm 2017 đến nay, cô Mận dạy tại Trường Tiểu học và THCS số 1 Cảm Nhân. 

Với đức tính giản dị, ham học hỏi, cô luôn cố gắng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, không ngừng học tập, trao đổi kiến thức với đồng nghiệp, để có những bài giảng hay, phương pháp giảng dạy khoa học, truyền dạy cho học trò những kiến thức trên bục giảng cũng như kỹ năng sống. Những giờ học thú vị trên lớp hay những giờ ngoại khóa, cô luôn tạo tình cảm thân thiện, gần gũi với học trò, coi học trò như những người con của mình. 

Bên cạnh việc truyền dạy kiến thức, cô luôn quan tâm đến việc nuôi dưỡng ước mơ, thổi bùng những khát vọng trong các em. Trong suốt những năm dạy học ở Trường Tiểu học và THCS số 1 Cảm Nhân, rất nhiều học sinh của cô đạt thành tích cao trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, quốc gia và có 1 học sinh được xếp hạng Vàng vòng chung kết sân chơi Trạng Nguyên toàn tài. 

Cô Mận tâm sự: "Việc dạy học đòi hỏi giáo viên phải gần gũi học sinh, hiểu tâm lý các em để thiết kế được những bài giảng có chiều sâu, chất lượng. Mình cần phải truyền đạt nội dung bài giảng làm sao cho học sinh dễ nhớ nhất, dựa trên những gì các em đã biết để xây dựng thành nội dung bài dạy cụ thể, kích thích được khả năng tư duy sáng tạo, suy nghĩ của học sinh”. 

Với kinh nghiệm gần 30 năm đứng trên bục giảng, cô Mận linh hoạt kết hợp giữa phương pháp giảng dạy truyền thống với đổi mới sáng tạo dựa trên việc ứng dụng công nghệ thông tin. Để làm phong phú thêm các tiết giảng, giúp học sinh hiểu bài hơn, cô Mận chủ động chuẩn bị các phương tiện dạy học phù hợp với từng phân môn, trong đó, ưu tiên sử dụng giáo án điện tử. 

Cô Mận còn tích cực sưu tầm các loại tranh ảnh, video, phần mềm dạy học và soạn nhiều giáo án điện tử bổ sung vào kho học liệu của mình cũng như kho học liệu của khối tiểu học nhà trường. Nhờ đó, hàng năm, xếp loại theo chuẩn nghề nghiệp của cô giáo Mận đều đạt loại tốt trở lên; học sinh hoàn thành tốt các môn học đạt trên 60%, trên 50 học sinh của cô được khen thưởng. Năm học 2020 - 2021, cô Mận đã có sáng kiến kinh nghiệm được Hội đồng Sáng kiến huyện Yên Bình xếp loại xuất sắc. 

Năm 2021, cô giáo Hoàng Thị Mận được phong tặng danh hiệu "Nhà giáo Ưu tú”. Bên cạnh đó, cô Mận còn nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ nhiều giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm, tham gia và đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Quá trình công tác, cô Mận còn được phân công phụ trách các công việc như: Tổng phụ trách Đội, Tổ trưởng chuyên môn, Phó Bí thư Chi bộ và hiện cô đang làm Chủ tịch Công đoàn. 

Với vai trò Chủ tịch Công đoàn nhà trường, cô Mận luôn có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình trong tất cả các hoạt động, các phong trào thi đua. Cô cùng Ban Chấp hành Công đoàn quan tâm thăm hỏi, động viên các trường hợp ốm đau. Nhiều năm, cô Mận được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh. 

Thầy giáo Hoàng Văn Phóng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS số 1 Cảm Nhân tâm sự: "Cô giáo Hoàng Thị Mận là giáo viên có năng lực chuyên môn tốt, ham học hỏi, yêu nghề và tận tụy với nghề. Cô tìm tòi và mạnh dạn cải tiến phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng cho học sinh đại trà cũng như chất lượng của học sinh năng khiếu. Các sáng kiến đều phát huy hiệu quả thực tiễn, được hội đồng khoa học các cấp đánh giá cao và áp dụng vào thực tế. Cùng đó, cô Mận đảm nhận và làm tốt việc bồi dưỡng các đội tuyển tham gia các cuộc thi tri thức ở khối tiểu học và đạt thành tích cao tại các kỳ thi, sân chơi trí tuệ…”. 

28 năm đứng trên bục giảng, cô Mận đã gặt hái được nhiều thành tích: Liên tục được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, Chiến sĩ Thi đua cơ sở; nhiều lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Đặc biệt, cô giáo Hoàng Thị Mận 2 lần được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.

Vũ Đồng

Tags Cảm Nhân Yên Bình Hoàng Thị Mận công nghệ thông tin giáo án điện tử

Các tin khác
Chị Sin Thị Hương (ngoài cùng, bên trái) trao hỗ trợ máy cày cho người dân tộc thiểu số nghèo xã Hồng Ca.

Nhắc đến chị Sin Thị Hương - Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Trấn Yên, những ai đã từng tiếp xúc hay làm việc đều dành cho chị tình cảm yêu mến, kính trọng. Tình cảm yêu mến, kính trọng có được bởi chị là một đảng viên gương mẫu, một cán bộ năng động, gần dân, sẵn sàng chia sẻ và kết nối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong công việc và cuộc sống.

Bác sĩ Chuyên khoa I Thào Thị Nu thăm, khám cho bệnh nhân.

Bác sĩ bác sĩ Chuyên khoa I Thào Thị Nu tâm sự: "Sống một cuộc sống đâu đâu cũng chỉ có đồi, có núi, thiếu thốn, đói nghèo, việc chăm sóc sức khỏe chưa được quan tâm, coi trọng nên tôi mong ước được bước chân ra thế giới bên ngoài, học tập cái hay, cái mới đem về cho quê hương, đồng bào mình...".

Đối tượng Nguyễn Văn Đường tại cơ quan điều tra.

Cuộc đấu tranh với tội phạm ma túy luôn là một hành trình cam go và đầy thử thách, đòi hỏi sự kiên trì và dũng cảm của các chiến sĩ công an, trong đó có cả những nữ công an. Tại phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ, những “bông hồng thép” đã góp phần làm nên chiến công xuất sắc trong đấu tranh với tội phạm ma túy, giữ vững sự bình yên cho địa bàn.

Chị Đinh Thị Hiến (bên trái) cùng các thành viên Câu lạc bộ “Em yêu làn điệu dân ca quê hương” luyện Khắp Thái.

Say mê, tự hào về bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Thái, nhất là những điệu Khắp Thái cổ, chị Đinh Thị Hiến - thôn Nậm Đông 2, xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) không những chỉ chịu khó học hỏi, nghiên cứu mà còn trở thành một trong những người kế cận các nghệ nhân thế hệ trước để truyền thụ cho người trẻ tình yêu Khắp Thái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục