Thực tế nhiều năm qua, cơ cấu bộ máy các TDP cồng kềnh, chồng chéo, hiệu quả không cao. Từ thực tế đó, triển khai chỉ đạo của huyện theo tinh thần Nghị quyết số 18, 19 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, thị trấn Mậu A đã xây dựng Đề án sáp nhập TDP. Theo đó, từ 45 TDP sẽ sáp nhập còn 11 tổ và sau khi sáp nhập, dân số các tổ đều có từ 300 hộ trở lên, đảm bảo yêu cầu của huyện.
Để thực hiện kế hoạch sáp nhập, thị trấn đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch rà soát lại các TDP, các thôn về diện tích đất đai, số nhân khẩu, số hộ, cơ sở vật chất, phong tục, tập quán, tư tưởng, nguyện vọng của cán bộ và nhân dân, tổ chức các cuộc họp TDP lấy ý kiến tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để đưa ra lộ trình sáp nhập phù hợp. Các cấp chính quyền, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân đồng thuận với chủ trương sáp nhập các thôn, TDP có đủ điều kiện.
Ông Phạm Văn Hạ - Chủ tịch UBND thị trấn Mậu A cho biết: việc sáp nhập các thôn, TDP sẽ thừa ra một số nhà văn hóa. Tuy nhiên, nhà văn hóa cũ sẽ chỉ đủ cho cho từ 100 - 150 người, trong khi sáp nhập vào thì mỗi tổ là 300 hộ; bởi vậy, việc hội họp, sinh hoạt cũng sẽ rất khó khăn.
Cùng đó, một số TDP, thôn sáp nhập lại thiếu nhà văn hóa, trong khi quỹ đất để bố trí xây dựng nhà văn hóa không có, rồi thừa một số đồng chí là cán bộ thôn nên khi mới đưa ra phương án sáp nhập, nhân dân cũng có nhiều ý kiến bàn tán. Tuy nhiên, xác định đây là nhiệm vụ chính trị lâu dài nên địa phương tập trung tuyên truyền, vận động, quán triệt tinh thần để mọi người hiểu, đồng tình ủng hộ.
Ông Nguyễn Xuân Kha - Bí thư Chi bộ khu phố 2 cho biết: "Theo đề án sáp nhập, bí thư chi bộ sẽ kiêm tổ trưởng, trưởng ban công tác mặt trận. Bản thân tôi đồng tình ủng hộ chủ trương, bởi việc sáp nhập sẽ giúp cho việc lãnh đạo, triển khai thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính quyền được kịp thời, hiệu lực và hiệu quả hơn. Một người có thể đảm nhiệm nhiều công việc và chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Như vậy, chủ trương, nghị quyết triển khai xuống cơ sở sẽ hiệu quả hơn rất nhiều".
Chị Nguyễn Thị Huyền - người dân thôn Gốc Sổ cũng cho biết: "Tôi thấy chủ trương sáp nhập rất phù hợp, công việc tập thể nếu đông nhân lực sẽ nhanh hơn rất nhiều, mọi người có thể giúp đỡ tương trợ để hoàn thành tốt công việc”.
Có thể nói, việc thực hiện Đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố ở thị trấn Mậu A sẽ góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 18, 19 về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Qua đó, tăng tính tự quản của người dân, nhân dân có điều kiện khôi phục, duy trì truyền thống văn hóa tốt đẹp trước đây. Đặc biệt, việc cơ cấu lại ngành nghề ở nông thôn cũng thuận lợi hơn, bởi quy mô dân số lớn, hạn chế tính chất sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân hợp tác sản xuất, tạo tiền đề cho phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung.
Thanh Tân