Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông được thành lập trên cơ sở tích hợp Khoa Báo chí và Truyền thông với Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông. Đây là mô hình đầu tiên trong Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn và là một trong những mô hình đầu tiên của của ĐH Quốc gia Hà Nội phát triển từ cấp khoa lên viện theo tinh thần định hướng đại học tự chủ mà Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo triển khai.
Trong bối cảnh kỷ nguyên kỹ thuật số, khi thành tựu cách mạng KHKT, đặc biệt là internet tạo nên sự bùng nổ thông tin trên phạm vi toàn cầu, áp lực cạnh tranh của truyền thông xã hội đang đặt ra nhiều thách thức đối với người làm báo và đối với người đào tạo báo chí.
Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông xác định mục tiêu chiến lược là tiếp tục nâng cao hơn nữa nội dung và phương pháp đào tạo, mở rộng các loại hình đào tạo, đa dạng hóa sản phẩm đào tạo, vươn lên đạt chuẩn chất lượng khu vực và quốc tế.
Bên cạnh việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực hành, chương trình đạo tạo sẽ chú ý nhiều hơn đến khía cạnh mới của công nghệ truyền thông và đặc điểm công chúng truyền thông hiện đại để cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực báo chí truyền thông có chất lượng cao, vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, vừa có năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ tốt, kỹ năng tác nghiệp báo chí truyền thông đa phương tiện, kỹ năng quản lý báo chí và quản lý truyền thông để có thể đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các cơ quan báo chí truyền thông và các nhà tuyển dụng.
Với 4 bộ môn: Báo chí, Truyền thông đa phương tiện, PR- Quảng cáo và Quản trị báo chí truyền thông- mỗi bộ môn sẽ phát triển và chịu trách nhiệm một ngành đào tạo của Viện.
Hiện ngoài 2 ngành học ở bậc Cử nhân Báo chí và Quan hệ công chúng, Viện còn đảm nhiệm 3 chương trình đào tạo bậc Thạc sỹ là Thạc sỹ Báo chí (định hướng nghiên cứu); Thạc sỹ báo chí (định hướng ứng dụng) và Thạc sỹ liên kết quốc tế về quản trị truyền thông (với ĐH Stirling, Anh) và 1 chương trình đạo tạo bậc Tiến sỹ ngành Báo chí.
Trong năm học tới, Viện sẽ đào tạo chương trình Báo chí (chất lượng cao) ở bậc Cử nhân, 2 chương trình đạo tạo Thạc sỹ mới là Thạc sỹ Quản lý báo chí, Quản trị truyền thông và Thạc sỹ Kinh tế báo chí truyền thông (liên kết với ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội).
Viện còn là trung tâm nghiên cứu báo chí truyền thông hàng đầu của cả nước với 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước đã và đang thực hiện trong 5 năm qua. Bên cạnh đó, gần chục đề tại cấp Bộ, cấp ĐHQG, quỹ Nafosted và nhiều quỹ khác cũng đã trình, chuyên khảo có chất lượng đã ra đời, tạo dựng một cách hệ thống và bài bản những vấn đề căn cốt trong nghiên cứu và thực tiễn báo chí truyền thông ở Việt Nam, phục vụ đắc lực cho việc đào tạo, nghiên cứu và tư vấn chính sách.
Thời gian tới, Tạp chí in và Tạp chí điện tử của Viện sẽ là nơi quy tụ và công bố các sản phẩm khoa học về lĩnh vực báo chí truyền thông cho các chuyên gia, các nhà nghiên cứu sinh, học viên cao học… trong và ngoài Viện.
Với tinh thần năng động, đổi mới, sáng tạo, hệ thống trang thiết bị hiện đại, đồng bộ và đội ngũ nhân lực có trình độ cao, Viện sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động dịch vụ, tư vấn, chuyển giao tri thức và sản xuất các sản phẩm truyền thông chất lượng cho các cá nhân và đơn vị có nhu cầu.
(Theo dangcongsan.vn)