Với nhiều giải pháp triển khai đồng bộ và phần việc cụ thể, công tác này tiếp tục có những chuyển biến tích cực, diện mạo các trường đã được cải thiện đáng kể, các tiêu chí trường chuẩn đáp ứng yêu cầu dạy - học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Bằng sự nỗ lực, năm 2017, Trường Tiểu học Kim Đồng, huyện Yên Bình đã được công nhận lại là đơn vị trường đạt CQG. Thầy Hoàng Ngọc Tuấn - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Cùng với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, nhà trường đã xây dựng kế hoạch đạt CQG mức độ II lộ trình đến năm 2020. Theo đó, nhà trường xác định tập trung vào xây dựng đội ngũ quản lý, giáo viên; tỷ lệ huy động học sinh ra lớp, không có học sinh bỏ học; cơ sở vật chất bảo đảm; quan hệ giữa gia đình và nhà trường. Mặt khác, nhà trường có nhiều giải pháp tích cực trong việc thu hút các nguồn lực xây dựng trường theo tiêu chuẩn quốc gia và có hiệu quả thiết thực, tạo môi trường dạy và học tốt nhất cho các em”.
Với sự đầu tư của Nhà nước và sự nỗ lực của ngành GD&ĐT, các trường đều bảo đảm điều kiện cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Sân chơi, khuôn viên trường học đang dần được cải thiện theo hướng chuẩn hóa, phát huy tính tích cực hoạt động của trẻ.
Ông Trần Cảnh Huy - Phó trưởng Phòng Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT cho biết: "Qua kiểm tra cho thấy, hiệu quả đào tạo ở các trường đạt CQG đã được nâng lên, môi trường giáo dục và đạo đức học sinh được cải thiện rõ rệt, trong các phong trào thi đua dạy tốt - học tốt, có nhiều học sinh giỏi. Cơ sở vật chất của các trường đạt chuẩn đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, so với với mặt bằng chung thì tỷ lệ trường đạt CQG của tỉnh còn khiêm tốn, một số tiêu chí của các trường tuy đã được công nhận nhưng mới đạt ở mức tối thiểu, có một số tiêu chí chỉ đạt ở gần mức tối thiểu như: định mức diện tích đất/học sinh, phòng học, phòng bộ môn, nhà đa năng, thiết bị dạy học, cơ sở vật chất khác".
"Bên cạnh đó, theo chỉ tiêu kế hoạch đã giao hàng năm, việc chỉ đạo để duy trì các trường đã đạt chuẩn sau 5 năm đã được các địa phương, các trường chú trọng bổ sung các điều kiện bảo đảm yêu cầu trường CQG. Vì vậy, đến nay, toàn tỉnh có 185/428 trường đạt CQG; trong đó, 73 trường mầm non, 27 trường tiểu học, 78 trường THCS và 7 trường THPT. Đặc biệt, có 7 trường đạt CQG mức độ II”. - Ông Huy nói.
Dù đạt nhiều kết quả nhưng phía trước vẫn còn không ít khó khăn như: thiếu kinh phí xây dựng và quy hoạch trường, lớp; các trường đã xây dựng từ trước, diện tích đất, sân chơi chật chội...
Do đó, thời gian tới, ngành GD&ĐT Yên Bái tiếp tục tập trung thực hiện những giải pháp đồng bộ về huy động các nguồn lực cho xây dựng cơ sở vật chất trường học gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Tập trung bồi dưỡng đội ngũ về năng lực chuyên môn, kỹ năng xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục, tích cực đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới; tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục gắn với xây dựng trường CQG để tiếp tục nâng cao chất lượng của các trường đạt CQG, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Trần Minh