Văn Chấn: Cần giải quyết đồng bộ tình trạng xâm canh, xâm cư

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/11/2018 | 8:04:22 AM

YênBái - YBĐT - Từ khi thực hiện quản lý đường địa giới hành chính theo bản đồ 364, công tác quản lý địa giới hành chính của một số xã trên địa bàn Văn Chấn gặp nhiều khó khăn do sai lệch giữa bản đồ với thực tế quản lý của địa phương và phong tục, tập quán lâu đời của nhân dân. 

Thôn Làng Mảnh do UBND xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn quản lý về hành chính nhưng lại có địa giới ở xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên. (Ảnh: Lãnh đạo xã Sùng Đô và nhân dân thôn Làng Mảnh đối chiếu thực địa điểm giáp ranh trên đồi Sùng Sâu trên bản đồ hành chính).
Thôn Làng Mảnh do UBND xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn quản lý về hành chính nhưng lại có địa giới ở xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên. (Ảnh: Lãnh đạo xã Sùng Đô và nhân dân thôn Làng Mảnh đối chiếu thực địa điểm giáp ranh trên đồi Sùng Sâu trên bản đồ hành chính).


Việc xác định địa giới hành chính trên bản đồ và thống nhất ngoài thực địa theo Chỉ thị số 364 ngày 06/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), về cơ bản đã xác lập được đường địa giới hành chính các địa phương trong tỉnh và giáp ranh, giải quyết dứt điểm hầu hết khu vực tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện ở một số địa phương, trong đó có huyện Văn Chấn, đã có những sai lệch nhất định, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý hành chính và điều hành của chính quyền, nhất là cấp cơ sở…

Đất quen thành… "đất lạ”

Gia đình bà Vàng Thị Pla sinh sống ở thôn Làng Mảnh, xã Sùng Đô tới nay đã 6 thế hệ. Năm 2017, khi huyện Văn Chấn triển khai Đề án phát triển cây quế, con cháu trong gia đình muốn chuyển một số diện tích nương đồi sang trồng quế, nhưng khi đăng ký để Nhà nước hỗ trợ cây giống, nguyện vọng này của gia đình bà không được chấp thuận. Vì sao? Nguyên do là toàn bộ diện tích đất Làng Mảnh lại nằm trong địa giới hành chính của xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên! 

Anh Giàng A Đua - con trai bà Pla cho biết: "Đồng bào Mông nơi đây hết sức bất ngờ vì sinh sống nhiều đời, từ trước tới nay vẫn sản xuất, đi lại, giao thương ở Làng Mảnh - Sùng Đô - Văn Chấn. Cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn cũng do huyện Văn Chấn đầu tư. Cớ sao bà con không được đầu tư trồng rừng, trồng quế, để phát triển kinh tế?”.

Sùng Đô có 5 thôn bản, thì Làng Mảnh và Giằng Pằng hiện có địa giới hành chính của xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên. Hai thôn này có trên 110 hộ dân sinh sống, diện tích đất tự nhiên trên 2.500 ha. 

Để tạo điều kiện cho nhân dân sinh sống ổn định, phát triển kinh tế, những năm qua, cấp ủy chính quyền xã Sùng Đô đã phối hợp với xã Phong Dụ Thượng nhiều lần hiệp thương, thỏa thuận và thống nhất giữ nguyên hiện trạng đất đai. Tuy nhiên, do đất rừng núi rộng nên nhân dân vẫn tự ý canh tác – "xâm canh”, dẫn đến những tranh chấp. 

Ông Giàng A Lứ - Phó Chủ tịch UBND xã Sùng Đô cho biết: "Xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt Luật Đất đai, những tranh chấp nhỏ đã được giải quyết kịp thời. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, xã hiện chỉ quản lý con người, đất đai không có căn cứ để xử lý. Cả hai thôn này hiện đều có tổ quản lý, bảo vệ rừng nhưng không được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, việc xây dựng và triển khai các dự án, kế hoạch phát triển sản xuất của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn”.

Xâm canh lại… xâm cư

Văn Chấn có 31 xã, thị trấn giáp ranh với 5 huyện, thị xã trong tỉnh; huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La; huyện Thanh Sơn và Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Qua kiểm tra, hiện còn nhiều tuyến giáp ranh có tình trạng xâm canh, xâm cư mà các bên chưa thỏa thuận được. 

Đặc biệt, các tuyến cấp huyện khu vực các xã Nậm Mười, Sùng Đô có 3 thôn bản nằm trong địa giới hành chính các xã của huyện bạn. 

Theo ông Bàn Thừa Phúc - Chủ tịch UBND xã Nậm Mười: "Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, nhân dân đã nhiều lần phản ánh việc xâm canh, xâm cư. Nguyên nhân chủ yếu là do việc xây dựng bản đồ 364 so với thực địa chưa chính xác, gây rất nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương trong quản lý đất đai. Chúng tôi đã thống nhất với xã bạn là giữ nguyên hiện trạng. Về lâu dài, rất mong các cấp xem xét hiệu chỉnh lại bản đồ để thuận lợi cho công tác quản lý của địa phương”. 

Có thể thấy, từ khi thực hiện quản lý đường địa giới hành chính theo bản đồ 364, công tác quản lý địa giới hành chính của một số xã trên địa bàn Văn Chấn gặp nhiều khó khăn do sai lệch giữa bản đồ với thực tế quản lý của địa phương và phong tục, tập quán lâu đời của nhân dân. 

Một số thôn, bản, hộ dân đã sinh sống lâu đời ở đơn vị hành chính cũ, khi thực hiện theo bản đồ địa giới 364 lại thuộc về đơn vị hành chính mới, dẫn đến tình trạng xâm canh, xâm cư liên quan đến đường địa giới hành chính nhiều năm chưa giải quyết được. 

Mặt khác, địa giới hành chính chưa phân định rõ ràng khiến việc đầu tư các công trình hạ tầng cơ sở, dự án phát triển kinh tế không thực hiện được, trong khi hầu hết các khu vực đều được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.  

Khắc phục tình trạng này, những năm qua, huyện Văn Chấn đã cử nhiều đoàn công tác đến xác minh, nắm bắt tình hình, tháo gỡ những vướng mắc của nhân dân và chính quyền cơ sở. Thông qua các hội nghị giáp ranh và các cuộc trao đổi, thỏa thuận, hầu hết các bên đã thống nhất giữ nguyên hiện trạng chờ điều chỉnh. Đối với khu vực có lịch sử dân cư sinh sống lâu đời trả lại như ban đầu cho chính quyền địa phương quản lý. 

Như năm 2017, huyện đã  đề nghị điều chỉnh  trên 112 ha đất, với 60 hộ dân khu vực thôn Suối Xuân về cho xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu quản lý và đề nghị cấp trên hiệu chỉnh bản đồ cho phù hợp. Tuy nhiên, còn nhiều tuyến giáp ranh chưa thống nhất và thỏa thuận được do có sự xâm canh, xâm cư. Nhiều tài sản trên đất chưa thể giải quyết, trong khi các yếu tố bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán khiến nhân dân không muốn sáp nhập vào một đơn vị hành chính khác.

Cần vào cuộc đồng bộ

Thời gian qua, thực hiện Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án "Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính”, huyện Văn Chấn đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tích cực phối hợp với chính quyền các xã rà soát, đối chiếu thực địa và hiệp thương, thỏa thuận các tuyến giáp ranh. 

Các đơn vị đã kiểm tra, đối chiếu việc chuyển vẽ đường địa giới hành chính, vị trí các mốc, các điểm đặc trưng địa giới hành chính; hiệu chỉnh về địa danh dân cư, sơn văn, thủy hệ… trên bản đồ đối chiếu với thực địa. Qua đó, đã xác định địa bàn huyện có 121 tuyến địa giới hành chính cấp xã, trong đó 14 tuyến nằm trên tuyến tỉnh, 49 tuyến nằm trên tuyến huyện, 58 tuyến nội huyện. 

Qua công tác ngoại nghiệp, đã có 47/58 tuyến địa giới hành chính cấp xã trong huyện thống nhất giữ nguyên theo bản đồ 364; có 8/58 tuyến cấp xã trong huyện thống nhất chỉnh lý theo hiện trạng quản lý, sử dụng. Tuyến địa giới hành chính cấp xã nằm trên tuyến cấp huyện đã thực hiện thống nhất giữ nguyên theo bản đồ 364 là 27/49 tuyến. 

Tuyến địa giới hành chính cấp xã nằm trên tuyến cấp huyện đã thực hiện thống nhất chỉnh lý theo hiện trạng quản lý, sử dụng là 4/49 tuyến. Tuyến địa giới hành chính cấp xã nằm trên tuyến cấp tỉnh đã thực hiện giữa Yên Bái với Sơn La là 5/14 tuyến. Tuyến đã thống nhất giữ nguyên theo bản đồ 364 là 4/14 tuyến. Tuyến thống nhất chỉnh lý theo hiện trạng quản lý, sử dụng là 1/14 tuyến. 

Hiện còn 4 tuyến địa giới hành chính cấp xã nằm trên tuyến cấp huyện cần hiệp thương, thống nhất chỉnh lý theo hiện trạng quản lý, sử dụng; 9 tuyến địa giới hành chính cấp xã nằm trên tuyến cấp tỉnh chưa thực hiện giữa Yên Bái với Phú Thọ…

Có thể thấy, vấn đề xâm canh, xâm cư không phải là cá biệt ở huyện Văn Chấn, giải quyết "bài toán” xâm canh, xâm cư cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền. 

Thời gian qua, huyện Văn Chấn đã tiến hành thỏa thuận, thống nhất và xây dựng các phương án hiệu chỉnh cho từng tuyến. Tuy nhiên để giải quyết dứt điểm tình trạng này, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần tập trung chỉ đạo, phối hợp giải quyết dứt điểm những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính các cấp do lịch sử để lại và những tranh chấp mới phát sinh. Trong đó, cần xác định rõ các khu vực xâm cư, xâm canh giữa các địa phương giáp ranh để hiệp thương, thỏa thuận thống nhất, trình các cấp hiệu chỉnh bản đồ phục vụ cho quá trình quản lý lâu dài.

Ông Hoàng Trọng Thắng - Phó Thủ trưởng Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện Văn Chấn:

"Cơ quan đang xây dựng phương án, tham mưu với UBND huyện giải quyết dứt điểm vấn đề xâm canh, xâm cư. Trong đó, đề nghị hiệu chỉnh bản đồ theo hiện trạng lịch sử, văn hóa của các khu dân cư. Các phương án ít nhiều đều ảnh hưởng và có tác động đến quyền lợi của nhân dân. Vì vậy, việc giải quyết rất cần có sự chủ động của các bên và chỉ đạo, quyết định của cấp trên”.  

Trần Van (Trung tâm TT&VH huyện Văn Chấn)

Các tin khác

YBĐT - Sốc phản vệ là tai biến dị ứng nghiêm trọng nhất, dễ gây tử vong nhất không chỉ gặp ở trẻ nhỏ mà cả người lớn nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Sốc phản vệ luôn là tai biến gây hoang mang cho không chỉ người nhà bệnh nhân mà còn cho cả các y bác sĩ điều trị.

Hội đồng giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2018 họp lần thứ nhất dưới sự chủ trì của Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn.

Tại phiên họp thứ nhất, Hội đồng giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2018 đã xét chọn 19 ứng viên xuất sắc nhất lọt vào vòng bình chọn trực tuyến

Quang cảnh lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018.

Sáng 22/11, tại trụ sở Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại và Thông tấn xã Việt Nam đã tổ chức họp báo thông tin về Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp.

Sáng 22-11, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn họp trực tuyến với 14 tỉnh, thành phố Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ khẩn cấp ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục