Nước ta thuộc miền khí hậu nhiệt đới có hệ thực vật vô cùng phong phú. Trong hệ thực vật ấy lại có nguồn thực vật rất dồi dào có tính năng dược liệu. Đồng thời, nước ta được thế giới ghi nhận là một trong số ít quốc gia hàng đầu có nền y học cổ truyền tốt nhất.
Thực tế cho thấy, ở vùng nông thôn nước ta, nhất là vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số mấy chục năm về trước, hầu hết người dân đều biết một vài bài thuốc, vài chục loại cây thuốc. Số người biết hàng chục bài thuốc, hàng trăm loài cây, con dược liệu cũng không hiếm.
Tuy nhiên, những tiềm năng y dược cả về nguồn dược liệu, nguồn nhân lực bảo tồn tri thức bản địa trong khai thác, sử dụng thuốc nam chăm sóc sức khỏe con người đang đứng trước nguy cơ suy giảm mạnh trong cộng đồng dân cư.
Sự suy giảm này có nhiều nguyên nhân như: sự phát triển và tác động mạnh của y học hiện đại vào chăm sóc sức khỏe con người; sự suy giảm nguồn dược liệu do tác động của con người với môi trường tự nhiên; người dân, nhất là đội ngũ lang y nhiều người đã xao nhãng việc trao truyền nguồn tri thức y học cổ truyền cho thế hệ sau vì không phải họ không trân quý nghề, mà do nguồn dược liệu hiếm dần, sức khỏe của họ không còn bảo đảm để cùng đi rồi chỉ bảo cho con cháu "nhận mặt" những loại dược liệu trong rừng.
Tương tự, lớp con cháu của họ gần đây cũng không ít người xao nhãng việc kế thừa, vì theo nghiệp thuốc là phải chịu nhiều lao tâm khổ tứ; trách nhiệm của cơ quan chuyên môn về y dược, nông lâm cũng chưa có nhiều giải pháp hữu hiệu để bảo tồn nguồn dược liệu cũng như nguồn tri thức bản địa về y học phương đông...
Tuy vậy, những nguyên nhân trên, dù có mang tính báo động làm thất truyền những giá trị to lớn của nền y học dân gian nhưng cơ bản nếu nó được chú trọng vẫn có thể khắc phục được. Chẳng hạn, ta hạn chế được việc chuyển rừng tự nhiên thành rừng kinh tế thì thời gian sẽ cho cây thuốc hồi sinh trong những cánh rừng tự nhiên.
Chúng ta có thể quy hoạch để xây dựng những vùng trồng dược liệu phổ biến, dược liệu đặc thù vùng miền, dược liệu quý hiếm để tạo nguồn dược liệu phong phú. Những bất cập trong cơ chế, chính sách vĩ mô về bảo tồn, phát triển nguồn tri thức y học cổ truyền cũng có thể điều chỉnh được.
Con cháu của những người làm nghề thuốc nam, nếu chưa có sự đam mê nối nghề thì vẫn có cách đưa họ đi đến yêu nghề... Tuy nhiên, có một nguyên nhân nếu không được khắc phục sớm thì càng về lâu càng không thể khắc phục nổi. Đó là, phải có sự quan tâm từ nhiều phía để thúc đẩy sự trao truyền và tiếp nhận trao truyền trong lực lượng thầy thuốc dân gian với thế hệ kế tiếp.
Sở dĩ, chúng ta phải quan tâm đến điều này là bởi thực tế từ xa xưa cho thấy, trong cộng đồng dân cư miền núi rất nhiều người biết làm nghề thuốc nam và cùng một bệnh nhưng lại được họ chữa bằng nhiều loại dược liệu, nhiều cách chữa khác nhau như: uống thuốc hoặc bôi, đắp, xông, chườm, giác... theo bí kíp của từng gia đình, dòng tộc.
Các bài thuốc, cách chữa trị hầu hết không được ghi chép (do nhiều thầy lang không biết chữ) nên chỉ trao truyền cho nhau bằng lời nói dựa vào kinh nghiệm chữa bệnh hoặc thông qua những công việc hàng ngày liên quan đến dược liệu và trị bệnh.
Thậm chí, để bảo vệ các bí kíp nghề nghiệp, các lang y dân gian cơ bản chỉ truyền nghề cho con trai, con dâu kèm theo những quy định rất nghiêm ngặt bất thành văn từ tổ nghề của họ. Vì vậy, có thể thấy rõ việc không ghi chép các bài thuốc; sự xao nhãng kế thừa; sự bảo thủ trong cách truyền dạy và giữ gìn bí kíp; đội ngũ lang y cao tay, cao tuổi thưa dần; sự suy giảm tài nguyên dược liệu... chắc chắn sẽ làm thất truyền một yếu tố căn bản nhất trong y học cổ truyền, đó là sự thất truyền kho tàng tri thức y học cổ xưa.
Do đó, hơn lúc nào hết, việc các cấp, ngành chuyên môn có giải pháp động viên đội ngũ lang y ghi chép lại những kinh nghiệm hay, những bài thuốc quý trong lúc này phải được coi là công việc vô cùng cần kíp. Bởi lẽ, những ghi chép sẽ là nguồn tài liệu gốc căn bản nhất cho bảo tồn, phát triển nền y học cổ truyền nước ta mãi mãi về sau.
Thực tế cho thấy, y học cổ truyền nước ta vẫn đang giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Mặt khác, hiện nay ở nước ta đang có tới hàng nghìn sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng từ thảo dược đang lưu hành và cơ bản là các sản phẩm của nước ngoài với giá cả rất đắt đỏ.
Những sản phẩm này, thực chất do các cơ sở sản xuất chủ yếu nghiên cứu từ các bài thuốc đông y, sử dụng dược liệu đông y để chế thành sản phẩm tiện ích cho người sử dụng ở dạng lọ dung dịch, viên nén, viên nang gọn nhỏ, dễ bảo quản, dễ mang theo... cho người sử dụng nó thay thế cách dùng cồng kềnh trước đây như phải sắc thuốc bằng nồi, ngâm trong chum lớn, xông khói bằng dụng cụ cồng kềnh, bảo quản thuốc khó khăn... mà thôi.
P.V