Trong đó, ngân sách trung ương hơn 1.915 tỷ đồng, chiếm 34,91%; ngân sách địa phương hơn 656 tỷ đồng, chiếm 11,96%; vốn vay tín dụng ưu đãi 2.777 tỷ đồng, chiếm 50,61%; nguồn vốn huy động khác trên 138 tỷ đồng, chiếm 2,52%.
Thực hiện Chương trình 30a tại 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, nguồn vốn trung ương là hơn 60,574 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 21,871 tỷ đồng, phục vụ duy tu bảo dưỡng các công trình sau đầu tư; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đi lao động có thời hạn ở nước ngoài…
Chương trình 135, tổng vốn hơn 156 tỷ đồng, trong đó hơn 116 tỷ đồng tập trung cho đầu tư cơ sở hạ tầng các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK); vốn sự nghiệp trên 39 tỷ đồng, đầu tư duy tu bảo dưỡng các công trình; hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã, thôn, bản ĐBKK; tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ thôn, bản và cộng đồng dân cư…
Ngoài ra, một số chính sách hỗ trợ giảm nghèo khác như: Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay hơn 400 tỷ đồng để phát triển sản xuất; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ người có công (NCC), kinh phí hơn 31 tỷ đồng; chính sách đối với học sinh bán trú và trường bán trú, hơn 241 tỷ đồng…
Các chương trình trên đã góp phần để năm 2018 toàn tỉnh giảm 4,29% hộ nghèo (tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 21,91% năm 2017 xuống còn 17,68% năm 2018). Riêng hai huyện vùng cao có tỷ lệ giảm nghèo cao: Trạm Tấu đạt 7,15% và Mù Cang Chải 7,61%.
Đánh giá CTMTQGGN cho thấy việc thực hiện chính sách đều phù hợp với từng địa bàn, đối tượng. Đối với các hộ thuộc diện không thể thoát nghèo như: người cao tuổi, mất sức lao động, khuyết tật, ốm đau… tỉnh thực hiện trợ cấp xã hội theo quy định của Nhà nước.
Cùng với triển khai hiệu quả CTMTQGGN, những năm qua, tỉnh còn đặc biệt chú trọng công tác chăm sóc NCC với cách mạng. Công tác thẩm định, giải quyết chính sách, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp 1 lần, bảo hiểm y tế… đều bảo đảm kịp thời, đúng quy định.
Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ NCC về nhà ở, năm 2016, có 36 gia đình NCC được hỗ trợ về nhà ở với kinh phí 1 tỷ 780 triệu đồng; năm 2017, hỗ trợ 69 hộ, kinh phí 2 tỷ 760 triệu đồng; năm 2018, hỗ trợ 1.278 hộ, kinh phí 41 tỷ 540 triệu đồng và năm 2019 đề ra mục tiêu hỗ trợ 1.383 hộ với kinh phí trên 46 tỷ đồng.
Từ các chế độ chăm sóc gia đình NCC, đã góp phần giúp các gia đình ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế.
Thực hiện CTMTQGGN, Yên Bái đề ra mục tiêu phấn đấu mỗi năm giảm 4% hộ nghèo, tương đương với 6.000 hộ nghèo/năm với các mục tiêu tổng quát: thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, tiếp cận thông tin…
Tiếp tục tăng cường các chương trình dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản ĐBKK… Từ đó, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong thu nhập giữa thành thị và nông thôn, vùng thấp và vùng cao.
Tết Kỷ Hợi 2019 đang đến gần, hiện nay, các cấp, các ngành, các địa phương và tổ chức xã hội đang triển khai các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ, chăm lo NCC, người nghèo để mọi gia đình đều có một cái tết đầm ấm, vui vẻ, hạnh phúc.
Thái Hưng