Sắp hoàn thành việc thu thập dữ liệu Bản đồ số Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/1/2019 | 2:30:25 PM

Cả nước đã thu thập hơn 1.387.000 địa chỉ các địa danh, địa chỉ nhà dân nhằm phục vụ cho việc xây dựng Bản đồ số Việt Nam. Trong tháng 1/2019 tất cả các tỉnh, thành phố sẽ hoàn thành việc thu thập dữ liệu.

Hội nghị trực tuyến triển khai Dự án “Nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam”.
Hội nghị trực tuyến triển khai Dự án “Nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam”.

Thông tin trên được Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đưa ra tại Hội nghị trực tuyến triển khai Dự án "Nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam” diễn ra ngày 14/1.

Nhằm tạo lập và chia sẻ dữ liệu nền tảng địa chỉ tới từng số nhà, từng địa chỉ trên quy mô toàn quốc (gồm địa chỉ các địa danh: cơ quan hành chính, trường học, văn hóa, y tế, giáo dục, các địa danh du lịch, cửa hàng… và cả địa chỉ nhà dân), cuối năm 2018, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam được giao nhiệm vụ phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng và triển khai dự án "Nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam”.

Dự án "Nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam” nằm trong khuôn khổ đề án "Phát triển hệ tri thức Việt số hóa” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tạo ra một hệ sinh thái toàn diện để tất cả mọi người, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam sáng tạo, phát triển các công nghệ tiên tiến trên nền tảng của dữ liệu lớn, IoT, trí tuệ nhân tạo...

Dự án không chỉ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu bản đồ nền (các lớp bản đồ về biên giới, hành chính, giao thông, sông ngòi…); cơ sở dữ liệu chứa các thông tin về tọa độ, thông tin đi kèm của các đối tượng (địa danh, trường học, bệnh viện, hiệu thuốc, khách sạn…) và địa chỉ nhà dân mà còn xây dựng các ứng dụng sử dụng bản đồ đi kèm.

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai Dự án "Nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam”, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, một trong những nền tảng dữ liệu cơ bản nhất của mỗi quốc gia đó chính là bản đồ và lớp dữ liệu địa chỉ của các địa điểm. Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực, dữ liệu bản đồ càng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là đối với những ứng dụng liên quan đến tìm kiếm thông tin, tìm đường, tìm địa chỉ trên toàn quốc. Do đó Việt Nam cần phải xây dựng một hệ thống dữ liệu của riêng mình, vừa đảm bảo phục vụ yêu cầu trong việc quản lý nhà nước vừa đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin, địa chỉ của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân.

"Nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam” là nền tảng bản đồ của người Việt, là cơ sở để các doanh nghiệp có thể sử dụng để tạo ra các ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: giáo dục, văn hóa, du lịch… Thông qua Bản đồ số Việt Nam, người dùng cũng có thể dễ dàng tìm và được chỉ đường cụ thể đến tận lớp địa chỉ trong từng ngõ, hẻm hoặc các thôn, xã. Bưu điện Việt Nam được giao là đơn vị chủ trì trong dự án, có vai trò thiết lập và đảm bảo hạ tầng cho hệ thống; xây dựng phương án thu thập, rà soát dữ liệu…

Từ tháng 11/2018, hai địa phương đầu tiên được lựa chọn thí điểm triển khai là Phú Yên và Hậu Giang. Thông qua Smartphone đã cài đặt phần mềm có các tính năng thu thập dữ liệu, gắn tọa độ, thời gian, chụp ảnh… mỗi nhân viên Bưu điện, đoàn viên, thanh niên sẽ thực hiện thu thập tên địa chỉ (hộ gia đình, cửa hàng, địa điểm…); địa chỉ chi tiết của địa điểm (số nhà, đường phố, hẻm, xóm…) và các ghi chú về loại đối tượng (nhà hàng, nhà dân, ngân hàng, chợ…). Sau khi xác nhận thông tin chuẩn, dữ liệu sẽ được tích hợp và đưa lên bản đồ số Việt Nam tại địa chỉ https://map.itrithuc.vn.

Tính đến ngày 11/1/2019, cả nước đã thu thập khoảng 1.387.321 địa chỉ, trong đó riêng tỉnh Phú Yên và Hậu Giang (địa phương triển khai đầu tiên) đã cơ bản hoàn thành việc thu thập dữ liệu địa chỉ của toàn tỉnh. Cụ thể, tỉnh Phú Yên thu thập được 218.841 địa chỉ; Hậu Giang: 181.255 địa chỉ.

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng Bản đồ số Việt Nam trong tháng 1/2019, đến thời điểm hiện tại, 100% Bưu điện tỉnh, thành phố đã phối hợp với các Tỉnh đoàn, Thành đoàn để xây dựng kế hoạch và phân chia địa bàn thu thập dữ liệu của hai đơn vị. Bắt đầu từ ngày 14/1 các địa phương sẽ đồng loạt ra quân thu thập dữ liệu địa chỉ.

Tuy nhiên một trong những khó khăn lớn hiện nay là thời gian triển khai gấp, trong vòng 1 tháng nên đòi hỏi rất nhiều lực lượng tham gia. Hiện vẫn còn một số địa phương chưa nắm bắt được nội dung cụ thể của đề án, nhiều hộ dân chưa hiểu hết ý nghĩa của việc xây dựng nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam nên còn có phản ứng khi nhân viên đi thu thập dữ liệu… 

Để giải quyết những khó khăn này, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ dẫn ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Văn bản số 12709/VPCP-KGVX mới đây yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và các đơn vị liên quan triển khai, tạo điều kiện cho việc thu thập dữ liệu phục vụ Dự án. Đồng thời, chỉ đạo các Sở, ban, ngành, các cấp tại địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng tham gia thu thập dữ liệu, sử dụng bản đồ số trong công tác quản lý tại địa phương. Đặc biệt, khuyến khích người dân cùng tham gia vào việc thu thập dữ liệu địa chỉ trên địa bàn.

"Muốn Dự án đảm bảo tốt cả về thời gian và chất lượng, các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các Sở, Ban ngành liên quan như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở giao thông vận tải, Cục Thống kê… cung cấp cho Bưu điện các bản đồ địa chính, bản đồ giao thông, số liệu dân cư… để xây dựng cơ sở dữ liệu nhanh và chuẩn xác. Đặc biệt cần có sự phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng đơn vị, để đảm bảo tất cả cùng làm đúng ngay từ đầu. Trong trường hợp các địa phương có kế hoạch thay đổi tuyến phố, cấp đổi lại số nhà cũng cần cung cấp thông tin cho nhóm triển khai để cập nhật dữ liệu khi thay đổi. Từ kinh nghiệm đã triển khai ở một số tỉnh trong việc hỗ trợ lực lượng đi thu thập dữ liệu thông tin, địa chỉ, UBND các tỉnh cũng xem xét hỗ trợ cho các cá nhân tham gia thu thập những chi phí cần thiết như xăng xe, Internet tốc độ cao, 3G…” ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chia sẻ thêm.

Đồng quan điểm phải làm tốt, làm đúng ngay từ đầu, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cam kết sẽ hoàn thành việc triển khai dự án đúng theo tiến độ và chất lượng. Ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, các Bưu điện tỉnh, thành phố và Tỉnh đoàn, Thành đoàn cần thống nhất phân công công việc rõ ràng; lập danh sách phân chia địa bàn cụ thể cho mỗi bên trong quá trình thu thập dữ liệu. Các Bưu điện tỉnh sẽ là đầu mối kỹ thuật, tổ chức đào tạo hướng dẫn cho lực lượng đoàn viên thanh niên, nhân viên bưu điện tham gia thu thập dữ liệu. Đối với 2 tỉnh Phú Yên và Hậu Giang đã cơ bản triển khai xong việc thu thập địa chỉ sẽ tiếp tục thí điểm việc vận hành và khai thác thông tin trên bản đồ số, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn để người dân và các tổ chức, doanh nghiệp tự cập nhật các thông tin liên quan đến địa chỉ trên bản đồ, góp phần tạo nên hệ thống dữ liệu phong phú, đa dạng. Phấn đấu đến quý 2/2019, Bản đồ số Việt Nam có thể đi vào vận hành và khai thác.

Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Minh Triết, Trưởng Ban Thanh niên Trường học, Trung ương Đoàn cũng kêu gọi các đoàn viên thanh niên trên cả nước cùng tham gia và việc thu thập dữ liệu thông tin, địa chỉ để thực hiện dự án cộng đồng đầy ý nghĩa này.

(Theo dangcongsan.vn)

Các tin khác
Hội Cựu TNXP tỉnh tặng giấy khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích trong xây dựng tổ chức Hội năm 2018.

Sáng 15/1, Ban chấp hành Hội Cựu Thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh tổ chức tổng kết công tác Hội năm 2018; triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2019.

Trung tướng Nguyễn Văn Khánh trao Huân chương Lao động hạng ba cho tập thể Phòng Kiểm sát Tạm giữ - Tạm giam và Thi hành án hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh.

Ngày 15/1, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác kiểm sát năm 2019.

Câu lạc bộ gia đình phòng chống tệ nạn xã hội phường Pú Trạng tuyên truyền, hướng dẫn phụ nữ kiến thức về PCBLGĐ.

Với chủ đề "Chủ động phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”, Tháng hành động vì bình đẳng giới và sự kiện truyền thông về phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em năm 2018 (từ ngày 15/11 - 15/12/2018), thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.

Các dòng họ ở Việt Hồng luôn vận động thành viên trong gia đình tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng với ý thức học tập suốt đời, độ tuổi từ 15 - 60 tuổi không có ai mù chữ. (Ảnh: Minh Huyền)

Từ 2 dòng họ học tập năm 2015, đến nay, xã Việt Hồng có 5/9 dòng họ được công nhận danh hiệu Dòng họ học tập, với 600 hội viên; 85% gia đình được công nhận là Gia đình học tập. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục