Ghé thăm gia đình ông Hà Văn Tính ở bản định cư tập trung Noong Mi, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn, gương mặt ông Tính vẫn còn hằn nét lo toan: "Trước đây, gia đình ở thôn Bản Tủ, nhưng lũ đã cướp đi tất cả những tài sản quý giá cả đời chắt chiu, gom góp. Mấy đứa cháu không còn manh áo, cuốn vở để tới trường. Tưởng không gượng dậy nổi sau trận lũ, nhưng nhờ có sự giúp sức của cộng đồng, của chính quyền địa phương, tôi đã dựng lại ngôi nhà trên khu đất mới. Được Nhà nước cấp gạo và áo quần được đồng bào sẻ chia nên cuộc sống gia đình tôi đã tạm ổn. Giờ thì bản thân mình và mỗi nhà phải tự cố gắng lên thôi!".
Căn nhà mới của bà Hà Thị Hóa cũng mới được làm xong ở khu tái định cư tập trung này. Nắng sớm xuyên qua ô cửa chính, bà Hóa đang dọn dẹp vôi vữa rơi vãi xuống nền nhà và bà chia sẻ: "Được Nhà nước cấp đất, hỗ trợ 25 triệu đồng làm nhà và cung cấp toàn bộ vật liệu để làm nhà mới, vợ chồng tôi quyết định vay mượn thêm để xây cho chắc chắn”.
Ông Mai Mộng Tuân - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn chia sẻ: trong các đợt mưa bão từ năm 2017 đến nay, ngoài những thiệt hại về người và tài sản, huyện Văn Chấn có 649 hộ dân buộc phải di dời, trong đó, 115 hộ phải di dời khẩn cấp. Đặc biệt, các hộ phải di dời không chỉ nằm rải rác ở các xã có khe suối lớn chảy qua mà có thôn, bản cả chục hộ, thậm chí nửa thôn, bản phải di dời do sạt trượt cả quả đồi... Trong khi đó, tại nhiều địa phương, diện tích đất dự phòng không có nên việc bố trí tái định cư gặp khó khăn.
Trước tình hình đó, huyện đã chỉ đạo các xã tích cực vận động anh em, họ hàng và nhân dân hiến đất, sang nhượng đất để bố trí mặt bằng làm nhà ở.
Hiện nay, huyện đang chỉ đạo 7 xã xây dựng và mở rộng 12 khu tái định cư tập trung. Dù điều kiện địa hình đồi núi dốc, rất khó đáp ứng cho số lượng lớn hộ dân đến tái định cư, nhưng ở mỗi khu định cư, huyện đều cố gắng bố trí từ 35 - 40 hộ với diện tích mỗi hộ được cấp từ 250 mét vuông trở lên.
Chia tay những người dân vùng lũ Văn Chấn, chúng tôi đến với những bà con vùng lũ xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên. Đường từ thôn 9 - Bản Lùng đã dễ đi hơn dù dấu ấn của trận lũ lịch sử vẫn còn hiện hữu. Hai bên đường, những tảng đá lớn được xếp gọn ghẽ. Tuy không có thiệt hại về người, song Bản Lùng là một trong những thôn của xã Phong Dụ Thượng hứng chịu thiệt hại nề nhất do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 ngày 20/7/2018. Nhiều gia đình bị lũ cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, tài sản. Những cánh đồng lúa phì nhiêu là nguồn sống của người dân đã biến thành những "cánh đồng đá”...
Ông Ngô Văn Minh - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bản Lùng cho biết: "Những ngày sau lũ, với tinh thần "lá lành đùm lá rách” nhân dân quyên góp ủng hộ quần áo, thóc, gạo, mỳ tôm giúp đỡ các gia đình gặp nạn. Bản thân tôi cũng đã tự nguyện hiến 2.100 m2 đất cho Nhà nước để làm khu tái định cư”.
Những ngày này, vùng lũ thôn Bản Lùng cũng trở nên sáng hơn trong cái nắng hoe vàng. Bên đống đổ nát của những mái nhà bị sập sau mưa lũ là gần 50 ngôi nhà mới.
Anh Lù Giàng Dê vừa hoàn thiện ngôi nhà cấp 4 khang trang trên khu đất tái định cư từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và sự đóng góp, ủng hộ của anh em trong dòng họ cùng bà con thôn bản. Ngôi nhà mới của vợ chồng anh Dê rộng 80 m2, trị giá khoảng 200 triệu đồng.
Anh Dê phấn khởi vì năm nay sẽ đón tết trong ngôi nhà mới, không còn nơm nớp nỗi lo mỗi khi mùa lũ đến. Điểm mới ở khu tái định cư này là nhà nào cũng có nhà đủ ba cứng (cứng mái, cứng nền, cứng tường) và có đủ 3 công trình hợp vệ sinh là nhà tắm, nhà vệ sinh và hố xử lý rác thải.
Với những người dân vùng lũ Văn Chấn, Văn Yên... sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã gieo những ánh xuân tươi mới, ấm lành và bao mầm xuân trên vùng đất lũ mới đi qua.
Quang Thiều