Sắc xuân Tà Xùa

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/2/2019 | 2:04:56 PM

YênBái - Ra Giêng, con đường về bản văn hóa Tà Xùa, xã Bản Công (Trạm Tấu) ngợp sắc đào phai, hoa mơ hoa mận bung nở. Khói bếp bảng lảng trên mái nhà người Mông. Hương hoa nồng nàn. Bản Tà Xùa như một bức tranh đa sắc màu trong xuân sớm.

Phụ nữ thôn Tà Xùa chung tay giữ gìn vệ sinh đường thôn sạch đẹp.
Phụ nữ thôn Tà Xùa chung tay giữ gìn vệ sinh đường thôn sạch đẹp.

Nhà Thào A Nủ là điển hình tiên tiến của bản Tà Xùa trong phong trào phát triển kinh tế nên A Nủ phấn khởi lắm, tết đến xuân về nhà Nủ giã gần 30kg gạo nếp làm bánh dày. 

A Nủ chia sẻ: "Làm việc gì cũng phải chăm chỉ nhà báo ạ. Chăn nuôi hay làm ruộng đều vậy, mình phải kiên trì tìm hiểu, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì mới cơm no áo ấm được. Như nhà mình bây giờ là không phải lo gì cả. Thực phẩm cho người và gia súc cứ là dư cả năm”. 

Nói cười không dứt, A Nủ dẫn tôi ra xem khu chăn nuôi của gia đình: "Tết năm nay nhà mổ con lợn 40kg thết đãi anh em họ hàng. Người Mông ở đây giờ nuôi nhiều lợn lắm, tết đến nhà nào thiếu tiền thì bán lợn thịt để sắm tết. Nhà nào đông anh em thì mổ ăn chia với nhau. Thịt lợn nhà mình nuôi ngon phải biết đấy. Dưới phố huyện nhiều người lên tận đây đặt mua cơ mà”. 

Người Mông Tà Xùa được Đảng, Nhà nước quan tâm nhiều nên ơn Đảng thì chịu khó lao động, làm giàu cho gia đình, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh. "Mình rất quan tâm đến thời sự. 

Thấy Đảng năm vừa rồi nhiều đổi mới quá. Đấu tranh chống tham nhũng này, sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước này, giảm biên chế này… Toàn những cái hợp lý”, A Nủ hào hứng chuyện. Đúng là đời sống người Mông hôm nay tiến bộ nhiều rồi, nhà nhà sắm ti vi, lắp đầu chảo nên thông tin nhanh lắm.

Chung niềm vui với A Nủ, tôi lang thang trên con đường ngập sắc hoa đến thăm các gia đình người Mông khác ở Tà Xùa. Được công nhận là bản văn hóa cách đây 4 năm, lại được Hội Phụ nữ huyện chọn làm điểm thực hiện mô hình "5 không, 3 sạch” nên Tà Xùa có nền tảng vững chắc trong phong trào xây dựng gia đình, làng bản văn hóa. Lúc này, gia đình chị Phàng Thị Già đang tất bật bên chân ruộng 2 vụ. 

Chị Già bảo: "Thời gian ăn tết không dài nên để kịp khung thời vụ từ trước tết gia đình làm đất gieo mạ, giờ ra Giêng là gieo cấy lúa xuân. Năm 2018, thời tiết thuận lợi hơn và được cấp giống tốt, có cán bộ hướng dẫn kỹ thuật nên gia đình có vụ mùa bội thu vì vậy tết này đã ấm no hơn”. 

Nhà chị Già nằm sát đường bê tông về bản. Từ khi tham gia mô hình "5 không, 3 sạch” của Hội Phụ nữ huyện, chị đã quây chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm ra xa khu vực nhà ở, nhà có công trình vệ sinh kiên cố, năm nào cũng tham gia ký cam kết bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng.

"Giữ rừng là giữ lợi ích cho chính bản làng mình, giữ bản làng, gia đình sạch đẹp là giữ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng nên mình vận động gia đình, người thân thực hiện tốt những điều hương ước làng bản quy định, đất nước đổi mới rồi, mình cũng phải đổi mới chứ” - chị Già chia sẻ. 

Ở Tà Xùa người vui nhất có lẽ là Trưởng bản Phàng A Phà. Làm trưởng bản Tà Xùa ngót chục năm, anh chứng kiến sự đổi thay hàng ngày trong nếp nghĩ, cách làm của bà con nơi đây. 

"Cách đây hơn chục năm, lên đến đầu bản đã thấy phân gia súc đầy đường, mùi khó chịu. Làm ruộng thì cứ làm theo lối truyền thống, chỉ cần đủ thóc ăn, chả nghĩ đến làm cái gì. Được cán bộ huyện lên tuyên truyền vận động xây dựng bản làng văn hóa, ban đầu chả mấy ai thiết tha vì nghĩ có văn hóa cũng chả thay đổi gì. Nhưng, "mưa dầm thấm lâu”, mỗi ngày thay đổi một chút, làng bản sạch sẽ, đời sống vật chất tinh thần từng bước được nâng cao, ai nấy đều phấn khởi. Giờ thì việc xây dựng gia đình, bản làng văn hóa trở thành mục tiêu thi đua của từng gia đình” - anh Phà phấn khởi cho biết.

Toàn thôn Tà Xùa có 56 ha lúa xuân. Những ngày đầu năm mới, đồng bào hăng say thi đua lao động sản xuất. Trên nương, dưới ruộng những cô gái tuổi đôi mươi đôi má ửng hồng thoăn thoắt cấy lúa, không ngớt tiếng cười đùa khiến Tà Xùa như đang bừng lên một sức sống mới. 

Ngọc Sơn

Các tin khác
Đoàn viên, người lao động Công ty cổ phần Yên Thành trong dây chuyền sản xuất gỗ.

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Yên Bình hiện quản lý 110 công đoàn cơ sở (CĐCS). Trong đó có 53 CĐCS trường học, 26 CĐCS xã, thị trấn, 15 CĐCS doanh nghiệp và 16 CĐCS hành chính-sự nghiệp.

Cấp cứu vào viện do đánh nhau trong dịp Tết vẫn ở mức cao.

Kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi 2019 kéo dài, từ sáng ngày 28 đến mùng 6 Tết đã có 5.303 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, trong đó 15 trường hợp tử vong.

Lãnh đạo Bưu điện tỉnh hỗ trợ người lao động tiền xây dựng nhà

Năm 2018, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tăng cường thực hiện "Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn” nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, thiết thực chăm lo đời sống, nâng cao phúc lợi đối với đoàn viên, công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ), tăng cường sự gắn kết của đoàn viên, CNVCLĐ đối với tổ chức công đoàn.

LLVT huyện Trấn Yên tích cực luyện tập, sẵn sàng chiến đấu.

Năm 2018, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Trấn Yên đã chủ động làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện toàn diện công tác quân sự - quốc phòng (QS-QP) địa phương, được Bộ Tư lệnh Quân khu 2 tặng Cờ thi đua xuất sắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục