Đây là một trong những nội dung tại Công văn vừa được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) ban hành đề nghị UBND các tỉnh, thành tăng cường triển khai thực hiện trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đến nay đã có 59/63 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án "Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến năm 2030” (còn 4 tỉnh Cao Bằng, Nam Định, Quảng Nam, Kiên Giang đang xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt). Nhiều tỉnh, thành đã ban hành chính sách trợ giúp xã hội đặc thù, trong đó có mở rộng đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội từ 270.000 đồng lên 300.000 đồng đến 405.000 đồng.
Để thực hiện tốt Điều 34 Hiến pháp năm 2013 "Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”, đặc biệt là bảo đảm an sinh xã hội đối với những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành tổ chức triển khai thực hiện Đề án "Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”.
Cụ thể, nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, khả năng nguồn lực của địa phương xem xét quyết định mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, tăng mức trợ cấp xã hội dựa trên nhu cầu tối thiểu của con người, theo vòng đời và theo quy định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; trợ giúp khẩn cấp dựa trên mức độ thiệt hại, mức độ tổn thương, hoàn cảnh cụ thể và khả năng khắc phục rủi ro của cá nhân, hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, dịch bệnh, tác động của biến đối khí hậu, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, nạn nhân của bạo lực gia đình, phụ nữ và trẻ em bị mua bán.
Thực hiện sắp xếp, kiện toàn và phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, địa phương; phát huy năng lực, hiệu quả của các cơ sở trợ giúp xã hội hiện có; quan tâm đầu tư nâng cấp các cơ sở trợ giúp xã hội công lập để có đủ điều kiện trợ giúp cho các đối tượng bảo trợ xã hội. Xây dựng mô hình cơ sở trợ giúp xã hội toàn diện để trợ giúp cho các đối tượng có nhu cầu, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị các tỉnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, quy trình giải quyết chính sách trợ giúp xã hội, dựa vào nhu cầu của người dân, công khai, minh bạch đảm bảo thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 140/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH và các văn bản có liên quan khác.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình tổ chức thực hiện chế độ, chính sách trên địa bàn bảo đảm không bỏ sót đối tượng thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng
Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý chính sách, phê duyệt đối tượng, chi trả trợ cấp, trợ giúp xã hội; xây dựng cơ sở dữ liệu về trợ giúp xã hội của địa phương thống nhất với cơ sở dữ liệu quốc gia; đổi mới phương thức chi trả trợ cấp xã hội cho đối tượng...
(Theo dangcongsan.vn)