Công đoàn Yên Bái: Nhiều giải pháp quan tâm đến lao động người dân tộc thiểu số

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/2/2019 | 8:08:14 AM

YênBái - Hàng nghìn lao động nông thôn của tỉnh đã trở thành công nhân của các nhà máy may công nghiệp, trong đó có trên 800 lao động là người dân tộc thiểu số.

Những năm trở lại đây, trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sự chuyển dịch cơ cấu ngành, nghề, lao động nông nghiệp, nông thôn sang ngành công nghiệp, dịch vụ, tỉnh Yên Bái đã quan tâm thu hút đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Do đó, lao động nông thôn chuyển dịch sang ngành công nghiệp có sự gia tăng, đặc biệt là đã có sự tham gia của lao động là người dân tộc thiểu số (DTTS). Để chăm lo tốt hơn cho đoàn viên, người lao động, đặc biệt lao động là người DTTS, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung các giải pháp thiết thực. 

Sinh năm 1996, là con thứ 2 trong một hộ nghèo có tới 5 anh chị em, quanh năm chỉ biết đến nương rẫy, cơm ăn không đủ no, em Giàng Thị Bầu - người dân tộc Mông, ở xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải đã quyết tâm vượt gần 200 cây số ra thành phố xin vào làm công nhân may tại Công ty TNHH Unico Global Yên Bái. 

Bỡ ngỡ trước môi trường làm việc chuyên nghiệp, quy củ, giờ giấc khác xa so với công việc nhà nông của em, nhưng được sự giúp đỡ tận tình của lãnh đạo và Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty, Giàng Thị Bầu đã chăm chỉ học hỏi, nhanh chóng bắt nhịp với công việc. Sau 3 tháng làm việc tại Công ty, em đã có nguồn thu ổn định gần 4 triệu đồng mỗi tháng. Từ số tiền này, ngoài chi tiêu cho bản thân em đã dành dụm gửi về giúp đỡ cho bố mẹ và các em ở nhà. 

Giàng Thị Bầu tâm sự: "Những năm trước, khi em chưa đi làm ở đây cuộc sống gia đình rất khó khăn, cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm. Giờ thì đã khá hơn nhiều rồi ạ. Em mong muốn nhiều bạn trẻ ở quê em có cơ hội được làm việc như em để lo cho cuộc sống của bản thân và phần nào giúp đỡ gia đình”.

Cùng chung suy nghĩ, em Thào Thị Lâu ở xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải cũng đã quyết tâm đi làm công nhân may để có tiền trang trải cho cuộc sống và phần nào tiết kiệm gửi về giúp đỡ bố mẹ thoát khỏi cái nghèo. Được biết, nhà Thào Thị Lâu có 4 anh em thì 3 người đều đã lấy chồng, lấy vợ. Lâu là con út trong gia đình và cũng là người duy nhất có công việc ổn định với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng. 

Thào Thị Lâu chia sẻ: "Từ ngày em đi làm tại Công ty em mới có điều kiện giúp đỡ, mua sắm các đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Nếu không đi làm, theo truyền thống ở quê chắc em sẽ lấy chồng sớm, cuộc sống vất vả lắm. Nên em quyết định đi làm công nhân may để thay đổi cuộc sống của chính mình”.

Cùng với các công nhân lao động là người dân tộc Mông ở các huyện vùng cao của tỉnh thì nhiều công nhân người Tày, người Dao khác trên địa bàn tỉnh cũng đã có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thay đổi được tư duy việc làm, có ý chí vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Họ là những người đã chủ động tìm kiếm việc làm, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng bộ mặt vùng cao Yên Bái ngày càng khởi sắc. 

Em Dương Thị Loan - xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên chia sẻ: "Từ ngày đi làm em có thêm thu nhập để lo cho con cái, các cháu được học hành. Thời gian tới em vẫn mong tổ chức công đoàn và lãnh đạo Công ty tiếp tục có sự quan tâm để có chế độ đãi ngộ cho công nhân lao động chúng em, giúp mọi người yên tâm công tác đạt hiệu quả cao”.

Hiện nay, Công ty TNHH Unico Global Yên Bái có tổng số 1.700 công nhân lao động, trong đó có khoảng 400 lao động là người DTTS. Để thu hút lao động, Công ty cũng đã có nhiều chế độ đãi ngộ, đảm bảo thu nhập, tiền lương, tiền thưởng, tiền tăng ca cho công nhân. 

Ông Park Sang Kuk - Giám đốc sản xuất, Công ty TNHH Unico Global Yên Bái cho biết: "Để chăm lo tốt cho công nhân lao động, Công ty có kế hoạch trong năm 2019 xây dựng nhà ở tập thể cho người lao động được ở miễn phí giúp công nhân ở xa giảm một phần chi phí khi phải thuê nhà ở, tăng thu nhập lo cho gia đình. Công ty mong muốn trong năm 2019 tiếp tục thu hút thêm nhiều lao động nữa”.

Đồng chí Nguyễn Thanh Thảo - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Unico Global Yên Bái cho biết: "Thực hiện sự chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh cũng như Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh, thời gian qua, CĐCS Công ty đã đẩy mạnh công tác chăm lo đời sống, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ, đặc biệt lao động là người DTTS; trong đó quan tâm nâng cao cả đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người lao động; bảo đảm quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; thực hiện tốt công tác thương lượng, ký và thực hiện thỏa ước lao động tập thể để có những điều khoản có lợi hơn so với luật quy định cho lao động…”.

Yên Bái là tỉnh miền núi, đa thành phần dân tộc, trong đó có 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải nằm trong những huyện nghèo nhất của cả nước. Trước đây, cuộc sống và việc làm của người dân tộc vùng cao Yên Bái dễ rơi vào tình trạng bấp bênh, không ổn định, khó duy trì, trình độ dân trí thấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất ổn định an ninh, chính trị. 

Những năm trở lại đây, trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sự chuyển dịch cơ cấu ngành, nghề, lao động nông nghiệp, nông thôn sang ngành công nghiệp, dịch vụ, Yên Bái đã quan tâm thu hút đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh. 

Nhờ đó, hàng nghìn lao động nông thôn của tỉnh đã trở thành công nhân của các nhà máy may công nghiệp, trong đó có trên 800 lao động là người DTTS, tập trung chủ yếu ở các công ty như: Công ty TNHH Unico Global Yên Bái, Khu Công nghiệp Âu Lâu, Công ty TNHH Daeseung, huyện Yên Bình; Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF, huyện Trấn Yên và Công ty TNHH MTV Chiến Thắng, Nghĩa Lộ. 

Trong bối cảnh hiện nay, cùng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, triển vọng về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tỉnh Yên Bái đã và đang tạo ra những cơ hội cho người lao động trên địa bàn nói chung có thêm việc làm, đặc biệt là lao động nông thôn được tiếp cận với ngành nghề mới, song cũng là những thách thức đối với công đoàn tỉnh Yên Bái trong công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, CNVCLĐ. 

Bởi vậy, theo ông Nguyễn Chương Phát - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, thời gian tới LĐLĐ tỉnh xác định tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động công nhân lao động gia nhập tổ chức công đoàn, đặc biệt lao động là người DTTS để có điều kiện quan tâm, chăm lo tốt hơn cho họ.

Thường xuyên giám sát, kiểm tra, tăng cường phản biện và kiến nghị với các cấp có thẩm quyền về thực hiện các chế độ, chính sách có liên quan trực tiếp đến người lao động như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền lương, tiền thưởng, thời gian lao động, chế độ làm thêm giờ, phụ cấp ưu đãi, hợp đồng lao động; các hoạt động về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động. 

Chỉ đạo các cấp công đoàn tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, CNVCLĐ, đặc biệt lao động là người DTTS trong các doanh nghiệp và lao động mới để họ nắm được quyền, trách nhiệm của mình cũng như chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định của doanh nghiệp để thực hiện tốt và tự bảo vệ mình. 

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn, Phong trào "Mỗi công đoàn cơ sở - một lợi ích đoàn viên”. Sử dụng có hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm, tích cực đóng góp xây dựng Quỹ "Tấm lòng vàng” để có điều kiện chăm lo nhiều hơn cho đoàn viên và người lao động. 

Thanh Xuân - Mỹ Quỳnh (Liên đoàn Lao động tỉnh)

Các tin khác
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Văn Yên sử dụng thuốc nam chữa bệnh cho nhân dân.

Hội Đông y huyện Văn Yên có 167 hội viên, sinh hoạt ở 14 chi hội và có 3 phòng chẩn trị lồng ghép với trạm y tế. 

Việc thành lập trường đại học ngoài công lập phải đảm bảo chất lượng đào tạo để không ảnh hưởng tới người học.

Các địa phương phải xem xét kỹ việc thành lập trường ngoài công lập. Nếu đã cho thành lập trường thì không để các trường "tự bơi”...

Dự báo thời tiết ngày 24/2 các tỉnh khu vực Bắc Bộ có mưa nhỏ vào đêm và sáng sớm. Trời rét, vùng núi cao Đông Bắc Bộ nhiệt độ thấp nhất là 12 độ C.

Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thành các văn bản về hướng dẫn quy chế thi sau đó sẽ được công bố rộng rãi. Cùng với đó, đầu tháng 4 học sinh trên toàn quốc sẽ tiến hành nộp hồ sơ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục