Theo bà Vũ Thị Nga - Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Yên Bái: "Đối với nước ta, tuy tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra muộn, bắt đầu từ năm 2006, nhưng tình trạng này gia tăng nhanh, xảy ra ở cả thành thị và nông thôn”.
Cụ thể, năm 2009, tỷ lệ là 110,5/100 đến năm 2017 là 112,4/100. Theo đó, số tỉnh có tình trạng mất cân bằng giới tính cũng tăng theo hàng năm. Năm 2006, tại 40/63 tỉnh, thành phố; năm 2009, tại 45/45 tỉnh, thành phố; năm 2017, tại 55/63 tỉnh, thành phố.
Qua khảo sát, tỷ số giới tính sinh cao xuất hiện ở những tỉnh xung quanh Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, trong đó cao nhất là các tỉnh đồng bằng sông Hồng như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh…
Cùng cả nước, đối với Yên Bái, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh bắt đầu từ năm 2008 - 2009, mức độ cao trung bình so với các tỉnh trong toàn quốc và có xu hướng tăng hàng năm. Cụ thể: năm 2008, tỷ lệ này 111,7/100; năm 2015 là 111,8/100 và năm 2017 là 112/100.
Trong đó, thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Lục Yên, huyện Văn Yên, huyện Trấn Yên, Văn Chấn, Yên Bình là những địa phương có tỷ lệ mất cân bằng cao. Qua phân tích, có 3 nhóm nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính. Về nguyên nhân cơ bản do tư tưởng "trọng nam, khinh nữ” vẫn hằn sâu trong suy nghĩ nhiều dòng họ và hộ gia đình.
Với suy nghĩ "Một trăm đứa khóc như ri, không bằng một đứa nó đi giật lùi”, mà nhiều người vẫn cố gắng đẻ con trai. Về nguyên nhân phụ trợ, do những chuẩn mực xã hội mới như gia đình quy mô nhỏ, chỉ sinh 1 - 2 con, các cặp vợ chồng vừa mong ít con, lại mong muốn có con trai.
Đây là nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng tìm kiếm và sử dụng dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh. Hơn thế, tại nhiều nơi, do con trai vừa là trụ cột gia đình lại có thể vừa là trụ cột về kinh tế vì có thể tham gia lao động đòi hỏi lao động cơ bắp như trong ngành nông - lâm nghiệp, ngư nghiệp… nên sinh con trai là nhu cầu.
Bên cạnh đó, dù đã có nhiều chuyển biển, nhưng do hệ thống an sinh xã hội, nhất là đối với người cao tuổi chưa phát triển, đặc biệt khu vực nông thôn, nơi có tới 70% dân số đang sinh sống, người già hầu hết không có lương hưu, hay trợ cấp xã hội, họ cần sự chăm sóc về y tế mà tất cả phụ thuộc vào khả năng phụng dưỡng của con cái, mà theo quan niệm của phần lớn gia đình truyền thống, trách nhiệm đó chủ yếu phụ thuộc về con trai nên dẫn đến "khao khát” con trai.
Về nguyên nhân trực tiếp, do sự phát triển của khoa học - công nghệ và những tiến bộ trong y học, nhất là các kỹ thuật lựa chọn giới tính trước sinh. Cùng góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, cũng nảy sinh tình trạng sử dụng tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh...
Hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh cho tương lai rất lớn, không chỉ về mặt xã hội mà có thể còn ảnh hưởng đến cả an ninh - chính trị của quốc gia. Theo tính toán, với tỷ số giới tính khi sinh tiếp tục tăng với mức độ hiện nay thì đến năm 2050, dân số Việt Nam sẽ thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới ở độ tuổi dưới 50.
Tình trạng "thừa nam, thiếu nữ” dẫn đến khó khăn trong việc kết hôn. "Khủng hoảng về hôn nhân” để lại nhiều hậu quả cả về nhân khẩu học và xã hội, dẫn đến những thay đổi về hôn nhân và gia đình.
Cùng nguy cơ lan rộng các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục do tình trạng quan hệ tình dục ngoài hôn nhân tăng lên, mại dâm sẽ khó kiểm soát. Việc mất cân bằng giới tính sẽ dẫn đến tình trạng di cư ngày càng phổ biến do số người di cư trong nước và ra nước ngoài vì mục đích hôn nhân có thể tăng lên, từ đó làm mất ổn định xã hội.
Hơn thế, việc gia tăng tỷ số giới tính khi sinh không những không cải thiện được vị thế của người phụ nữ mà thậm chí còn làm gia tăng thêm bất bình đẳng giới và tình trạng bạo hành đối với phụ nữ và bé gái do phụ nữ có thể phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ cao.
Đồng thời, gia tăng tội phạm xã hội do tranh giành trong hôn nhân, lừa đảo, buôn bán, mại dâm... Đã, đang xảy ra và sẽ gây hậu quả rất lớn không chỉ cho mỗi gia đình mà toàn xã hội. Vì vậy, ngay từ lúc này, chúng ta cần đẩy mạnh đồng bộ các giải pháp để kiềm chế gia tăng mất cân bằng giới tính. Trong đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, thay đổi và nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về hậu quả mất cân bằng giới tính là quan trọng nhất.
Từ đó, mỗi người dân có ý thức chấp hành nghiêm đường lối của Đảng về chính sách dân số; thực hiện nghiêm các quy định pháp luật của Nhà nước như: Luật Dân số, Luật Bình đẳng giới… Trong đó, nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; hoặc xúi giục, ép buộc người khác phá thai vì giới tính của thai nhi.
Nguyễn Đình