Chuẩn bị cho mùa tuyển sinh 2019, các trường đại học trên cả nước đã công bố thông tin tuyển sinh hệ chính quy trên cổng thông tin điện tử của trường. Nhìn chung, phương án tuyển sinh của các trường vẫn giữ ổn định như năm 2018 về phương thức tuyển sinh, tổ hợp môn xét tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh. Nhiều trường đã mở thêm ngành học mới phù hợp với xu thế nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội, tăng cơ hội lựa chọn cho học sinh.
Năm nay, phương thức tuyển sinh đại học hệ chính quy của các trường đại học rất đa dạng, gồm: xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia; xét tuyển thẳng; xét tuyển theo kết quả học tập bậc phổ thông; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức; xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi quốc tế...
Mỗi hình thức xét tuyển, các trường đều đưa ra tỷ lệ chỉ tiêu cụ thể đối với từng ngành đào tạo. Về tổ hợp môn xét tuyển, hầu hết các trường không bổ sung tổ hợp xét tuyển mới đối với các ngành hiện có.
Ông Phạm Quốc Khánh, Trưởng phòng Đào tạo Đại học, Học viện Ngân hàng cho biết: "Khối xét tuyển chúng tôi giữ ổn định như năm trước, nhưng có điều chỉnh về xét tuyển. Trong tuyển thẳng căn cứ vào kết quả học THPT thì chúng tôi vẫn xét trường chuyên quốc gia và trường chuyên các tỉnh nhưng năm nay chúng tôi sẽ thêm 1 điều kiện nữa - ngưỡng chất lượng đầu chứ không phải là chỉ có 1 tiêu chí. Chúng tôi dự kiến ngưỡng đảm bảo chất lượng cho các em được tuyển thẳng từ hệ THPT là từ khoảng 15 điểm theo tổ hợp phù hợp với ngành”.
Về ngành nghề đào tạo, nhiều trường đã có điều chỉnh như ngừng tuyển sinh, hoặc giảm chỉ tiêu tuyển sinh đối với những ngành mà nhu cầu nhân lực của xã hội ít để mở thêm những ngành học mới, nhằm tăng cơ hội lựa chọn cho thí sinh. Những ngành học mới đều được các trường khảo sát nhu cầu nhân lực của xã hội để đưa ra chỉ tiêu hợp lý, đồng thời điều chỉnh các môn học phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp và xu thế phát triển ngành nghề.
Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, năm nay trường mở 7 chương trình đào tạo mới. Đặc điểm chung của 7 chương trình mới này là học bằng tiếng Anh và các chương trình mới này có tính liên thông quốc tế, tích hợp liên ngành rất cao, phù hợp với thời đại công nghệ số.
Đây là những chương trình mà nhà trường mở ra để mục tiêu là hướng đến thị trường lao động rất gần trong tương lai. Lĩnh vực đào tạo chủ yếu vẫn xoay quanh kinh tế, quản trị kinh doanh. Ví dụ như kinh doanh số, đây là ngành mới mở mà tích hợp giữa 2 ngành cũng là thế mạnh của trường đó là quản trị kinh doanh và công nghệ thông tin. Chỉ tiêu tuyển sinh của trường chủ yếu lấy từ các ngành tương ứng sang.
Để thu hút thí sinh, các trường đều cung cấp thông tin về ngành học, chương trình đào tạo, định hướng việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp rất cụ thể. Một số trường cũng công bố thông tin ký hợp đồng đào tạo theo địa chỉ với các doanh nghiệp để học sinh tham khảo và lựa chọn.
Ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi cho biết: Về ngành nghề, một số ngành như Kỹ thuật cơ khí, Công nghệ thông tin thì có 2 định hướng rõ rệt để cho các em lựa chọn sau khi đã trúng tuyển đó là theo định hướng học tập và để đi làm việc ở các doanh nghiệp hoặc đi sang Nhật để làm việc. Hiện nay, nhà trường đã ký cam kết với gần 100 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này sẽ đặt hàng với nhà trường và nhận sinh viên sau khi ra trường. Song song với đó trong suốt quá trình đào tạo, nhà trường sẽ phối hợp với các doanh nghiệp này để tổ chức cho các em thực hành, thực tập.
Mặc dù nhiều trường đại học mở thêm ngành học mới, nhưng tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường chỉ tăng nhẹ so với năm ngoái. Ngoài thông tin về ngành học, tổ hợp môn xét tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh thì phương án tuyển sinh của các trường đều nêu rõ các thông tin như: mức học phí, lộ trình tăng học phí, các chính sách học bổng, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp... để thí sinh có thêm nhiều thông tin khi chọn trường, chọn ngành đăng ký xét tuyển.
(Theo VOV)