Ở huyện vùng cao Trạm Tấu, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng bằng sự năng động, nhiều phụ nữ đã vươn lên khẳng định vai trò, khả năng của mình, đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Từ các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt do Hội Phụ nữ huyện phối hợp tổ chức tại thôn bản, chị Hoàng Thị Cẩn ở thôn Lừu 2, xã Hát Lừu đã mạnh dạn nuôi bò, lợn nái, lợn thịt. Tổng thu nhập hàng năm của gia đình chị khoảng 200 triệu đồng.
Ngoài ra, gia đình chị còn mở rộng phát triển sản xuất đầu tư mua máy xúc, máy xay xát, phục vụ nhu cầu của gia đình và người dân trong xã. Mỗi năm, chị giúp từ 2 đến 5 chị em trong xã có hoàn cảnh khó khăn về cây, con giống để sản xuất, chăn nuôi.
Từ các nguồn thu trong sản xuất và chăn nuôi, hàng năm, gia đình chị có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Đồng thời, chị cũng giúp đỡ nhiều chị em phụ nữ cây, con giống để phát triển sản xuất.
Xác định phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Hội Phụ nữ huyện Trạm Tấu luôn tích cực vận động hội viên tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế bằng nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả. Hàng năm, Hội đã chỉ đạo các cơ sở Hội tiến hành rà soát hộ hội viên nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ để xây dựng kế hoạch giúp đỡ phụ nữ thoát nghèo bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Đồng thời, thường xuyên tăng cường hướng dẫn, giám sát các cấp Hội xây dựng mô hình, tổ nhóm phụ nữ thực hành tiết kiệm với mức từ 5.000 đồng/hội viên/tháng để tạo nguồn vốn vay tại chỗ cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Đến nay, Hội đã nhân rộng ra 12 cơ sở hội, thành lập 28 nhóm phụ nữ tiết kiệm với 1.355 hội viên tham gia, tổng số tiền tiết kiệm trên 207 triệu đồng. Từ nguồn vốn trên, Hội đã giúp đỡ cho 94 hội viên nghèo vay vốn với số tiền 146 triệu đồng.
Các cấp Hội đã tín chấp và quản lý trên 30 tỷ đồng, với hơn 1.000 hội viên phụ nữ được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội; đồng thời, duy trì tốt các câu lạc bộ phụ nữ cùng tiến trong phát triển chăn nuôi bò, dê sinh sản do các cấp Hội hỗ trợ tại xã: Bản Công, Pá Hu và Hát Lừu. Nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả được áp dụng, nhân rộng đạt hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sản xuất ở địa phương.
Chị Lưu Thị Quế – Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Trạm Tấu cho biết: "Thời gian qua, Hội lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế gia đình làm đòn bẩy trong các phong trào thi đua. Do đó, chúng tôi thường xuyên đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động phụ nữ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, thực hiện tốt phong trào phát triển kinh tế, tích cực tham gia thực hiện các đề án phát triển kinh tế của địa phương".
"Năm 2019, Hội đang thực hiện thí điểm hai mô hình trồng khoai sọ và dưa cho chị em phụ nữ các xã: Bản Công, Bản Mù và Trạm Tấu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế trọng điểm và các mô hình tiết kiệm ở các cơ sở Hội; bên cạnh đó, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương”. Chị Quế nói.
Tạo điều kiện để hội viên tiếp cận với vốn, giống, việc làm, khoa học kỹ thuật… là những hoạt động thiết thực mà các cấp Hội Phụ nữ huyện Trạm Tấu đã thực hiện. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tin tưởng với những hoạt động hỗ trợ tích cực cho phụ nữ phát triển kinh tế, đời sống của phụ nữ huyện Trạm Tấu ngày càng được cải thiện, từ đó giúp hội viên tích cực tham gia phong trào phụ nữ và xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
Kim Thoa