Bà Hoàng Thị Kim Chung - giáo viên Trường THPT Hồng Quang, huyện Lục Yên hỏi: Tôi là người dân tộc Tày, giáo viên đang công tác và sinh sống tại xã Động Quan, là xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Tôi tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) theo đối tượng quy định tại Khoản 1, Điều 12, Luật BHYT được hưởng quyền lợi khám chữa bệnh 80% (mã quyền lợi 7). Theo quy định tại Công văn số 1958/BHXH-CSYT ngày 18/5/2010, tôi có được đổi để hưởng quyền lợi khám chữa bệnh đối với người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn (mã 7 lên mã 4) không? Thủ tục đề nghị đổi như thế nào?
Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái trả lời: Căn cứ Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn thì xã Động Quan, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái là xã thuộc vùng khó khăn.
Căn cứ điểm 1, Công văn số 1958/BHXH-CSYT ngày 18 tháng 5 năm 2010 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc chuyển đổi mã quyền lợi BHYT quy định: "Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn, tham gia BHYT ở các nhóm đối tượng khác và đang được hưởng quyền lợi BHYT theo các mức hưởng có mã số: 5;6;7 được chuyển mã quyền lợi lên mức hưởng BHYT có mã số 4”.
Chiếu với quy định trên, bà đang tham gia BHYT ở nhóm đối tượng cán bộ, công chức, viên chức và đang được hưởng quyền lợi BHYT theo mức hưởng có mã số 7 thì được chuyển mã quyền lợi lên mức hưởng BHYT có mã số 4.
Căn cứ điểm 2.1 điều 33 Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25 tháng 10 năm 2011 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thủ tục đề nghị đổi mã quyền lợi trên thẻ BHYT gồm: đơn đề nghị đổi thẻ (mẫu D01-TS); thẻ BHYT (đang có mã số 7); bản sao công chứng giấy CMTND, sổ hộ khẩu.
* Bà Chu Lan Phương - giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái hỏi: Theo tôi được biết, kể từ ngày 01/12/2018, Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực thi hành. Theo Nghị định này, có nhiều điểm mới về chính sách BHYT, trong đó đáng chú ý là quy định về chính sách "Bảo hiểm y tế 5 năm liên tục”, xin quý cơ quan cho biết cụ thể về quy định này?
Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái trả lời: Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định hỗ trợ toàn bộ chi phí khám chữa bệnh khi người bệnh tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở điều này quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 14 của Nghị định.
Theo điểm 3, Điều 27 thanh toán chi phí KCB như sau: Trường hợp người bệnh có số tiền cùng chi trả tại một lần hoặc nhiều lần khám bệnh, chữa bệnh tại cùng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thu số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở của người bệnh.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cung cấp hóa đơn thu đối với số tiền cùng chi trả đủ 6 tháng lương cơ sở để người bệnh có căn cứ đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận không phải cùng chi trả trong năm đó.
Trường hợp người bệnh có số tiền cùng chi trả lũy kế trong năm tài chính tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau hoặc tại cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì người bệnh mang chứng từ đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cấp thẻ bảo hiểm y tế để thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 06 tháng lương cơ sở và nhận giấy xác nhận không phải cùng chi trả trong năm đó.
Trường hợp người bệnh có số tiền cùng chi trả vượt quá 6 tháng lương cơ sở được tính từ ngày 1 tháng 1, Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi của người bệnh kể từ thời điểm người bệnh tham gia đủ 05 năm liên tục đến hết ngày 31 tháng 12 của năm đó.
BHXH tỉnh Yên Bái