Ghi nhận tại Bệnh viện Ða khoa khu vực Nghĩa Lộ vào những ngày đầu của đợt nắng nóng thứ hai có không ít trẻ em và người già nhập viện điều trị những bệnh liên quan đến đường hô hấp. Theo đó, từ ngày 13 - 20/5, Bệnh viện đã khám bệnh cho 2.156 lượt người, nhập viện điều trị 475 lượt người, trong đó, 64 người bệnh trên 60 tuổi và 151 người bệnh trên 15 tuổi.
Chị Lò Thị Mai ở xã Nghĩa Phúc cho biết: "Do thời tiết nắng nóng nên nhiệt độ tăng khá cao, khiến gia đình chị sử dụng quạt, điều hòa hết công suất. Do đó, cháu nhỏ nhà tôi đã bị nhiễm lạnh dẫn đến viêm họng, sốt cao và phải nhập viện điều trị. Qua thăm khám các bác sỹ kết luận cháu bị viêm amidan cấp. Sau khi được điều trị, bệnh của cháu đã thuyên giảm nhưng đây sẽ là bài học lớn đối với chị và gia đình về việc sử dụng các phương tiện tránh nóng trong mùa hè”.
Đợt nắng nóng gay gắt hơn một tuần trở lại đây đã tăng nền nhiệt độ tại Yên Bái từ 37 - 39 độ C, dễ làm tăng nguy cơ say nắng, sốc nhiệt đối với những người lao động ngoài trời, di chuyển nhiều ngoài trời nắng…
Trẻ nhỏ, người cao tuổi, những người béo phì và những người rối loạn bài tiết mồ hôi cũng là đối tượng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, sốc nhiệt sẽ để lại những biến chứng và hậu quả nặng nề, thậm chí dẫn đến tử vong.
Tại Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái, nắng nóng khiến số trẻ nhập viện tăng cao. Ghi nhận của phóng viên, ngày 17 và 18/5, trung bình mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận khoảng gần 30 bệnh nhi đến khám và nhập viện, phần lớn là bệnh viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản, tiêu chảy, sốt virus... Đa số bệnh nhi là trẻ nhỏ dưới 4 tuổi.
Nguyên nhân do thời tiết thay đổi đột ngột, nắng nóng gay gắt kèm theo sức đề kháng của trẻ yếu. Theo số liệu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện đã khám 2.409 lượt người, trong đó, khám 61 bệnh nhi, cấp cứu 3 trường hợp, 14 lượt bệnh nhi phải nhập viện điều trị những bệnh liên quan đến đường hô hấp…
Nắng nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Ngoài ra, thức ăn, thực phẩm không bảo quản tốt dễ bị ôi, thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, khi chống nóng bằng biện pháp bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp dễ gây nên nhiễm lạnh, viêm phổi…
Theo khuyến cáo của ngành y tế, để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, người dân nên hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết, nhất là vào thời điểm từ 11 - 16 giờ. Nếu bắt buộc phải ra đường ngoài trời nắng nóng thì người dân phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… để chống nóng.
Mọi người cần uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha oresol…
Cùng với đó, không nên để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần người; thực hiện ăn chín, uống sôi; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Mọi người cũng cần nêu cao ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe với phương châm "Phòng hơn chống”, tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi chế biến thực phẩm và ăn uống, giữ sạch nơi ở để tránh các bệnh do vi rút lây lan; tham gia tích cực vào các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng. Khi bản thân và người thân trong gia đình nghi bị mắc các bệnh truyền nhiễm cần đến ngay các cơ sở y tế nơi gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời, tránh để các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Trần Minh