So với đợt nắng nóng vào cuối tuần trước, cường độ đợt này không gay gắt. Thời gian đợt nóng ngắn. Nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 - 37oC, riêng các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và vùng núi Trung Bộ có nơi trên 38oC. Thời gian có nhiệt độ trên 35oC là từ 11h - 16h. Đợt nắng nóng này dự báo sẽ kết thúc vào đầu tuần sau khi trời chuyển mưa dông.
Những cơn mưa vào đêm 24/5 ở miền Bắc đã hầu như chấm dứt. Trong khoảng 2 - 3 tiếng tới trời sẽ có nắng mạnh khi vùng áp thấp phía Tây mở rộng. Nhiệt độ theo đó tăng nhanh. Đến trưa chiều 25/5, dự báo Thủ đô Hà Nội, các thành phố Ninh Bình, Việt Trì, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên Phủ sẽ nắng nóng với mức nhiệt 35 - 37oC, các thành phố khác như: Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Giang 32 - 34oC. Về chiều tối và đêm đề phòng mưa dông nhiệt kèm theo lốc, sét, gió giật mạnh.
Nắng và nhiệt cũng sẽ tăng nhanh trong buổi trưa và chiều 25/5 ở miền Trung. Nhiệt độ hầu hết đạt mức 35 - 37oC, vùng núi có nơi trên 38oC. Thời gian có nhiệt độ trên 35oC duy trì từ 11h - 16h. Đợt nắng nóng này dự báo có thể kéo dài ở miền Trung trong 2 ngày tới.
Ở Tây Nguyên và Nam Bộ, thời tiết trong ngày cuối tuần duy trì ở 2 trạng thái. Từ sáng đến khoảng 14h, trời nắng và nóng với mức nhiệt phổ biến ở các thành phố Tây Nguyên khoảng 31 - 33oC, TP.HCM, Tây Ninh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau là 33 - 35oC. Từ 14h đến chiều tối, mây dông phát triển gây mưa dông rải rác, đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: lốc, sét, gió giật mạnh. Sau 19h mưa sẽ giảm dần.
Các đợt nắng nóng liên tiếp trong mùa khô ở Trung Bộ đang khiến tình trạng hạn hán, thiếu nước bắt đầu xảy ra cục bộ ở các tỉnh TT - Huế và Bình Thuận. Số liệu mới nhất tuần này cho thấy, dung tích trữ nước của các hồ chứa thủy lợi ở Trung Bộ hiện còn khoảng 38 - 74% so với dung tích thiết kế. Thậm chí, một số hồ ở Quảng Bình và Bình Thuận mực nước đang xuống rất thấp, chưa được 10% so với dung tích thiết kế.
Theo tính toán của các chuyên gia, với lượng nước hiện tại, tình trạng hạn hán, thiếu nước sẽ xảy ra cục bộ ở những vùng hồ đập nhỏ, trạm bơm nhỏ lấy nước dọc sông. Vùng được cảnh báo là từ Thanh Hóa - TT - Huế với tổng diện tích có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước là gần 20.000ha. Tại tỉnh Bình Thuận, hơn 60% diện tích cây trồng hiện chưa có đủ nước để xuống giống, buộc phải chờ mưa và diễn biến các hồ thủy điện để có kế hoạch tiếp theo trong tháng 6.
Về thời tiết biển, tại các quần đảo Thổ Chu, Phú Quốc tiếp tục có mưa dông rải rác, nguy cơ xảy ra lốc xoáy, gió giật mạnh. Ở hai huyện đảo Hoàng Sa, Trường Sa trời nắng, tầm nhìn xa trên 10km, gió không quá cấp 4.
(Theo VTV)