Vắc xin dùng trong chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí hiện nay đang sử dụng là vắc xin ComBE Five (vắc xin 5 trong 1 để phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib).
Vắc xin dùng trong tiêm chủng dịch vụ có thu tiền là vắc xin Hexa-infarix (vắc xin 6 trong 1 để phòng 6 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) hoặc là vắc xin Pentaxim (vắc xin 5 trong 1 phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi và viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib).
Trước một số thông tin liên quan đến phản ứng phụ của vắc xin ComBe Five sau khi được đưa vào sử dụng trong tiêm chủng mở rộng đại trà trên phạm vi toàn quốc, nhiều gia đình không muốn tiêm cho con em mình và lựa chọn vắc xin dịch vụ khiến nhu cầu tăng đột biến.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hai phòng tiêm vắc xin dịch vụ đều đặt tại thành phố Yên Bái là phòng tiêm Safpo tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và phòng tiêm Potec (tại Phòng khám Đa khoa Việt Tràng An).
Từ đầu tháng 1/2019 đến cuối tháng 4/2019, phòng tiêm Safpo đã tiêm cho trẻ 520 liều vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 dịch vụ. Phòng tiêm Potec mỗi tháng cũng cung cấp khoảng trên dưới 300 liều vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1. Số lượng này chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của người dân và chủ yếu tập trung vào tiêm trả mũi cho trẻ. Vì vậy, rất nhiều gia đình đã không thể tiêm được cho con em.
Chị Phạm Thị Năm - thôn Lý, xã Đại Đồng, huyện Yên Bình sau rất nhiều lần chầu trực tại cả hai phòng tiêm song đến nay con chị đã gần được 6 tháng mà vẫn chưa tiêm được liều vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1 nào nhưng chị vẫn muốn tiếp tục chờ để tiêm dịch vụ.
Theo bác sỹ Lê Hồng Quang - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tiêm chủng, việc tiêm đầy đủ và đúng lịch là rất quan trọng bởi nó tạo được miễn dịch kịp thời, đầy đủ để phòng bệnh cho trẻ. Nếu vì lý do nào đó cha mẹ trì hoãn không cho trẻ đi tiêm chủng thì trẻ không được bảo vệ và có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Việc e ngại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng có phản ứng phụ, tìm đến vắc xin dịch vụ nhưng lại khan hiếm dẫn đến tình trạng nhiều trẻ đến tuổi không được tiêm vắc xin, có khi trẻ 6 tháng đến 1 tuổi mà vẫn chưa được tiêm chủng, trong khi lịch tiêm vắc xin này là khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi, dẫn đến mất cơ hội tiêm vắc xin phòng bệnh đúng lịch.
Chờ đợi tiêm vắc xin dịch vụ sẽ làm chậm lịch tiêm chủng của trẻ, làm khả năng miễn dịch của trẻ giảm, kéo dài thời gian trẻ không được bảo vệ, điều này thực sự rất nguy hiểm vì trẻ có thể mắc phải các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nặng và tử vong.
Bác sỹ Lê Hồng Quang cũng khuyến cáo, để phòng bệnh cho trẻ, các bà mẹ không nên chờ đợi khi vắc xin dịch vụ khan hiếm như hiện nay dẫn đến trẻ bị bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng đúng lịch; các trẻ cần phải được tiêm chủng vắc xin đầy đủ và đúng lịch trong chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Đối với trẻ hoãn tiêm cần liên hệ với cán bộ y tế xã, phường để được tiêm bù ngay trong thời gian sớm nhất có thể. Nếu trẻ không được tiêm vắc xin phòng bệnh thì sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh, đồng thời khi trẻ mắc bệnh là nguồn lây nhiễm trong cộng đồng. Vì vậy, việc tiêm vắc xin phòng bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng không chỉ là tự nguyện mà còn được quy định bắt buộc theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Ngoài ra, các bà mẹ cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh cho trẻ như tăng cường vệ sinh cá nhân, tăng cường dinh dưỡng, giữ ấm cho trẻ đúng cách để trẻ được khỏe mạnh và phát triển tốt.
Hạnh Quyên