Việc công khai, minh bạch thông tin là một tiêu chí xác định sự phát triển của một xã hội văn minh. Cung cấp thông tin cho báo chí chính thống là trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, được thể hiện trong Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (ban hành kèm theo Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg ngày 4-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ); đặc biệt, Luật Báo chí sửa đổi 2016 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2017), trong đó Khoản 3 Điều 6 về nội dung quản lý Nhà nước về báo chí quy định rõ hai vấn đề: "Tổ chức thông tin cho báo chí; quản lý thông tin của báo chí”.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, không phải ở đâu, lúc nào các nhà báo cũng được tạo điều kiện tác nghiệp, tiếp cận nguồn thông tin một cách chính thức, đầy đủ và chính xác.
Sự bùng nổ của công nghệ thông tin với những trang mạng xã hội tiện ích đã biến một người bình thường với một chiếc điện thoại thông minh trở thành... "nhà báo”. Cái đáng nói, đáng lo chính là những thông tin trên mạng xã hội lại có sức lan tỏa vô cùng lớn, vượt xa biên giới, quốc gia, dân tộc, trong khi nguồn thông tin mà mạng xã hội đưa hoàn toàn không được kiểm chứng; nó phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức chủ quan của "nhà báo” – chủ tài khoản mạng xã hội. Họ đưa thông tin cho cả vạn, cả triệu người nghe, người xem, người đọc nhưng có thể họ không được chứng kiến sự việc mà chỉ nghe kể lại, đặc biệt là tự bịa ra nhằm mục đích cá nhân của họ.
Ngay cả trong trường hợp được chứng kiến tận mắt vụ việc rồi kể lại những gì chứng kiến trên mạng xã hội thì câu chuyện họ kể chưa hẳn đã chính xác! Lý do là sự việc chỉ được nhìn ở bề ngoài mà chưa thấy được bản chất bên trong; diễn biến của sự kiện kéo dài nhưng người ta chỉ được chứng kiến một đoạn, rồi thuật lại đoạn đã chứng kiến lên mạng xã hội... Chúng ta vẫn thường kể câu chuyện dân gian "Thầy bói xem voi”; đặc biệt là câu châm ngôn "Một nửa cái bánh mì là bánh mì nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật”.
Báo chí truyền thống (báo in) và cả hệ thống báo chí chính thống (báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng) đang phải cạnh tranh hết sức quyết liệt với mạng xã hội mà nguyên nhân bắt đầu từ việc chậm đổi mới, nâng cao chất lượng, đáp ứng được thị hiếu của độc giả, khán, thính giả của đội ngũ làm báo và cơ quan chủ quản. Điều này cũng bắt nguồn từ thị hiếu dễ dãi của bạn đọc, bạn nghe, bạn xem.
Từ thực tiễn kể trên, về phần mình, trước hết các cơ quan báo chí phải đổi mới, nâng cao chất lượng cả về nội dung và hình thức. Một sự kiện lớn, được đông đảo bạn đọc quan tâm thì nhất thiết phải cung cấp thông tin cho bạn đọc ở nhiều cấp độ khác nhau từ đưa tin, tường thuật đến bình luận. Phản ánh sự kiện một cách nhanh chóng, chính xác, giúp độc giả có cái nhìn đa chiều, thấy rõ bản chất vụ việc... nhưng nhất thiết không được xa rời những tính chất cơ bản của báo chí gồm: tính chân thật, tính giai cấp, tính Đảng, tính quần chúng...
Để các nhà báo chính thống hoàn thành sứ mệnh của mình, các cấp chính quyền, các ngành chức năng phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, làm như vậy không những đúng quy định của pháp luật mà còn tạo điều kiện cho báo chí chính thống định hướng được dư luận. Đặc biệt, không để mạng xã hội đưa thông tin một cách tràn lan, không đầy đủ, thiếu trung thực gây nhiễu loạn thông tin, dẫn đến các hệ lụy khó lường, gây nghi ngờ trong dư luận, tạo cơ hội cho các phần tử cơ hội, thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Lê Phiên