Thời gian gần đây, tuy các lực lượng chức năng đã có nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, cảnh báo về những rủi ro, nguy hiểm nhưng nhiều người dân trên địa bàn tỉnh vẫn xuất cảnh trái phép đi làm thuê. Điều đáng nói là hầu hết những người này đều xuất cảnh bất pháp, không có bất kỳ sự bảo hộ nào từ nước sở tại và nhiều người trong số họ đã phải trả giá đắt, thậm chí bằng cả tính mạng.
Theo thống kê từ đầu năm 2018 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện trên 230 vụ, 330 trường hợp xuất cảnh trái phép đi làm thuê ở nước ngoài; trong đó, có trên 100 trường hợp bị bắt và trao trả về Việt Nam, nhiều người đã bị tù giam do vi phạm pháp luật của nước sở tại, có người thiệt mạng nơi đất khách quê người.
Gia đình chị Đặng Thị Chung trú tại xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên là một trong những trường hợp như vậy. Cũng với mong muốn đổi đời, kiếm tiền nuôi hai con ăn học, chị đã mạo hiểm cùng chồng xuất cảnh sang Trung Quốc làm thuê, nhưng khi vừa sang đến nơi, chồng chị đã không may mắc bạo bệnh và đột ngột qua đời.
Do vợ chồng chị xuất cảnh lao động trái phép nên việc đưa thi hài chồng về Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, chị Chung đã phải vay mượn số tiền gần 200 triệu đồng để hoàn thiện các thủ tục pháp lý và chi phí cho các dịch vụ. Cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn gấp bội, bởi từ nay chỉ còn mình chị phải lo liệu cuộc sống, nuôi dạy hai con cùng với số nợ lớn phải trả.
Trường hợp anh Đàm Văn Hậu, trú tại xã Phù Nham, huyện Văn Chấn trước đây cũng đã từng xuất cảnh sang Trung Quốc để lao động làm thuê, nhưng khi mới chỉ sang được 1 thời gian ngắn, anh đã bị Công an Trung Quốc bắt giam và sau đó trao trả về Việt Nam. Cuộc sống hiện tại tuy vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng anh khẳng định sẽ chỉ làm ăn kiếm sống ngay tại quê nhà chứ không tin vào lời rủ rê, lôi kéo của những người tổ chức xuất cảnh trái phép nữa.
Có thể thấy, hầu hết những công dân xuất cảnh trái phép đi làm thuê đều sống ở vùng sâu, vùng xa, nhận thức hạn chế, thiếu hiểu biết quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh. Do đó, việc tìm ra các giải pháp để hạn chế, tiến tới chấn chỉnh việc xuất cảnh trái phép là hết sức cần thiết. Đặc biệt là đối với người dân ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thượng tá Hoàng Mạnh Hùng - Phó trưởng Phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh cho biết: "Bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ các quy định về xuất, nhập cảnh cũng như những rủi ro xảy ra khi xuất cảnh trái phép đi làm thuê để người dân đề cao cảnh giác, tránh để đối tượng xấu lợi dụng. Thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với công an các huyện, thành phố, thị xã tăng cường nắm bắt địa bàn, quản lý chặt chẽ hộ tịch, hộ khẩu, khai báo tạm trú, tạm vắng; đẩy mạnh Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", vận động nhân dân tố giác các trường hợp, tổ chức, môi giới, dẫn dắt đưa người xuất cảnh trái phép ra nước ngoài; tích cực đấu tranh làm rõ các hành vi lôi kéo người xuất cảnh trái phép”.
Đi làm, kiếm tiền là nhu cầu hết sức chính đáng của mỗi người dân, nhất là ở vùng cao, nơi cuộc sống còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc người dân xuất, nhập cảnh trái phép là vi phạm pháp luật, tác động không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Do vậy, mỗi người dân hãy tìm hiểu hiểu biết pháp luật để không phải nhận những hậu quả đáng tiếc!
Văn Cường - Hoàng Hóa