Bà Nguyễn Thị Cống ở xã Báo Đáp mắc căn bệnh đái tháo đường từ 2 năm nay. Nếu như trước đây, một tháng 2 lần, bà phải đến TTYT huyện cách nơi sinh sống hơn 10 km để kiểm tra và lấy thuốc điều trị bệnh thì nay bà chỉ việc đến Trạm Y tế (TYT) xã Báo Đáp cách nhà vài phút đi xe.
Bà Cống chia sẻ: "Trước đấy, tôi cũng lo lắng lắm vì sợ bệnh tình sẽ chuyển hướng xấu đi nếu điều trị ở tuyến thấp hơn. Nhưng rồi trước khi chuyển chúng tôi điều trị từ TTYT huyện về TYT xã, đồng chí giám đốc Trung tâm có đến nói chuyện, giải đáp các khúc mắc, tâm tư, nguyện vọng khiến chúng tôi rất yên tâm. Điều làm tôi vui nhất là sau khi chuyển về TYT dù sớm hay khuya, tôi luôn nhận được sự chăm sóc tận tình, vui vẻ của cán bộ y tế. Nhờ được khám, cấp thuốc định kỳ đều đặn, thể trạng của tôi luôn giữ được ổn định".
Từ tháng 4/2019, TTYT huyện bước đầu đưa 32 người bệnh đái tháo đường thể nhẹ đang điều trị tại Trung tâm về 2 TYT xã điểm của Bộ Y tế là Báo Đáp và Việt Hồng. Sau 3 tháng sẽ tổ chức đánh giá, tiếp tục đưa người bệnh thể nặng về điều trị và nhân rộng tới 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Bệnh đái tháo đường cho đến nay vẫn chưa có cách điều trị triệt để mà mới chỉ giúp kiểm soát được đường huyết tốt và phòng ngừa các biến chứng mãn tính nguy hiểm do bệnh gây ra. Người mắc bệnh này cần được theo dõi và điều trị cho đến cuối đời. Bởi vậy, việc đưa người bệnh đái tháo đường về điều trị tại cơ sở mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân, từ việc tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại cho đến việc được kiểm tra, giám sát bệnh chặt chẽ, kịp thời.
Cùng với đái tháo đường, tăng huyết áp cũng là căn bệnh phổ biến trong cộng đồng được đưa về điều trị tại các TYT. Đến nay, 22 TYT xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã cập nhật được trên 95% dân số của xã vào hồ sơ quản lý y tế, trong đó có gần 20.000 người trên 40 tuổi phục vụ khám sàng lọc tăng huyết áp; quản lý, điều trị gần 3.000 người bệnh tăng huyết áp. Thuốc tăng huyết áp cũng được bổ sung 5 loại thuốc, trong đó 3/5 loại thuộc nhóm phục vụ điều trị.
Thực tế, việc thực hiện đưa các bệnh không lây nhiễm về cơ sở được thực hiện từ tháng 12/2017. Theo đó, các TYT xã có nhiệm vụ cung cấp, thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, y tế dự phòng, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, cung ứng thuốc thiết yếu, quản lý sức khỏe cộng đồng...
Bác sỹ Bạch Xuân Thủy - Giám đốc TTYT huyện Trấn Yên cho biết: "Để đưa các bệnh không lây nhiễm về quản lý và điều trị tại cơ sở đạt hiệu quả cao, Trung tâm đã kết hợp nhiều hình thức từ tuyên truyền, vận động đến cầm tay chỉ việc, đào tạo kỹ năng tuyên truyền giáo dục sức khỏe tại cộng đồng; chú trọng hướng dẫn, nâng cao năng lực về quản lý các bệnh mạn tính không lây; cách xử trí các bệnh và cấp cứu thường gặp. Nhờ đó, hiện nay, hầu hết các TYT huyện có bác sỹ đã thực hiện được 90% các dịch vụ kỹ thuật theo Thông tư 39/2017 của Bộ Y tế về quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở, còn ở TYT không có bác sỹ thực hiện được 76% dịch vụ kỹ thuật theo Thông tư này”.
Việc quản lý và điều trị một số bệnh không lây nhiễm tại TYT xã ở Trấn Yên đã triển khai hoạt động có hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giảm tải cho tuyến trên lại giúp bệnh nhân tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc và được theo dõi thường xuyên.
H.A