Thực hiện lời dạy của Bác về công tác thi đua yêu nước, những năm qua, các cuộc vận động và phong trào thi đua nâng cao chất lượng giáo dục luôn được ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh phát động và duy trì thường xuyên, sôi nổi trong các trường học và toàn ngành.
Trong đó, nổi bật là cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”, gắn với phong trào thi đua "Hai tốt”, Phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, "Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”, Cuộc vận động "Hai không” và Cuộc vận động "Dân chủ - kỷ cương - tình thương - trách nhiệm”..., góp phần đưa sự nghiệp GD&ĐT của tỉnh ngày càng phát triển toàn diện.
Những năm qua, toàn ngành đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong nội bộ gắn với việc sử dụng kết quả của công tác đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường; việc thực hiện nhiệm vụ của từng cá nhân và tập thể qua các phong trào thi đua của ngành nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và địa phương.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các cuộc vận động của ngành như: "Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc”; thành lập các nhóm "Nhà giáo cùng nhau phát triển” trong các tổ chuyên môn, trong các nhà trường.
Từ Cuộc vận động "Mỗi cán bộ, giáo viên nhận đỡ đầu một học sinh có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc học yếu”, ngành đã phối hợp với các đoàn thể xã hội vận động học sinh ra lớp học chuyên cần, hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học.
Cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” chú trọng việc nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên ngành giáo dục.
Phong trào thi đua "Dạy tốt – học tốt” và "Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” được cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh hưởng ứng sôi nổi, khuyến khích cán bộ, giáo viên nghiên cứu khoa học, làm việc sáng tạo, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm, giải pháp thực hiện nhiệm vụ được đẩy mạnh trong các nhà trường, được xác định là nhiệm vụ thiết thực phục vụ cho giảng dạy và giáo dục học sinh. Mục tiêu của các phong trào chính là các giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Từ đó, đội ngũ nhà giáo không ngừng nâng cao tự học, nâng cao kiến thức chuyên môn, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy, thúc đẩy cán bộ quản lý, giáo viên khơi gợi được tinh thần nghiên cứu và sáng tạo.
Nhiều thầy cô thiết kế bài giảng trên nên công nghệ hiện đại đa phương tiện, tổ chức giảng dạy tích hợp kiến thức liên môn mạnh dạn áp dụng những phương pháp truyền đạt mới. Từ các phong trào thi đua, việc thực dạy - thực học đã được triển khai đến từng giáo viên, từng học sinh, tạo chuyển biến tích cực trong việc đổi mới quản lý giáo dục cũng như đổi mới phương pháp dạy học.
Cùng với đó, hầu hết sáng kiến kinh nghiệm được nghiên cứu và rút ra từ những hoạt động thực tiễn giảng dạy, nghiên cứu chuyên môn, tổ chức các hoạt động giáo dục, các phong trào thi đua, thể hiện tâm huyết của mỗi thầy, cô giáo. Chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa, sắp xếp hợp lý, từng bước đồng bộ về cơ cấu. Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên.
Đặc biệt, năm học vừa qua, các em học sinh của tỉnh đã giành được 708 giải tại các kỳ thi, hội thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT 2019, Yên Bái có 24/50 em tham gia dự thi đạt giải, trong đó có 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 4 giải Ba, 16 giải Khuyến khích (tăng 6 giải so với năm trước). Với giải Nhất môn Hóa học, em Nguyễn Đình Hoàng – học sinh lớp 12 Hóa, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đã tham dự vòng loại khu vực Olympic Hóa học châu Á – Thái Bình Dương.
Từ các phong trào thi đua, ngành GD&ĐT đã xây dựng tiêu chí khen thưởng rõ ràng, công khai, nghiêm túc; việc khen thưởng kịp thời ghi nhận những thành tích và cố gắng của các nhà trường, thầy cô và học sinh. Các hình thức khen thưởng được chú ý hơn, đã quan tâm đến khen thưởng các trường hợp có thành tích đột xuất trong các lĩnh vực công tác và là các tấm gương sáng để nhân rộng phong trào thi đua.
Do đó, các phong trào thi đua trong ngành được nhân rộng, tạo nên những bước phát triển về quy mô, chất lượng và hiệu quả giáo dục, huy động sức mạnh của toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên, sinh viên, học sinh trong ngành thực hiện nhiệm vụ "Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài” mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho ngành GD&ĐT, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thanh Ba