Chính vì vậy, việc tạo môi trường thuận lợi được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm để họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ quan trọng mà xã hội giao phó đó là chăm sóc sức khỏe cho toàn dân.
Kết quả khảo sát ở các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh và các trung tâm y tế tuyến huyện cho thấy tỷ lệ y, bác sỹ mắc bệnh viêm gan vi rút B là 13,1% cao gấp 3 lần nhóm ít nguy cơ lây nhiễm.
Cùng với đó, các y, bác sỹ làm việc tại các phòng X-quang, y học hạt nhân, sử dụng biện pháp điều trị phóng xạ... thường có nguy cơ cao bị nhiễm xạ và mắc các bệnh vô sinh hay sinh con dị dạng, suy giảm bạch cầu, viêm da tay, ung thư...
Theo báo cáo kết quả thực hiện chăm sóc sức khỏe nhân viên y tế theo Chỉ thị số 29/CT-TW của Ban Bí thư về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong ngành y tế năm 2016 cho thấy, quản lý và chăm sóc sức khỏe cho nhân viên y tế chưa được quan tâm, chú trọng, công tác khám sức khỏe định kỳ đã được thực hiện nhưng tỷ lệ đạt rất thấp còn việc khám tuyển trước khi bố trí việc làm mới chỉ thông qua giấy chứng nhận sức khỏe chứ không theo đặc thù từng nhiệm vụ cụ thể, việc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho nhân viên y tế làm việc tại các vị trí có nguy cơ cao mắc bệnh nghề nghiệp thì hầu như chưa được triển khai thực hiện...
Điều này ảnh hưởng nhiều đến việc giám định bệnh nghề nghiệp và giải quyết các chế độ phụ cấp cho nhân viên y tế khi họ bị mắc bệnh nghề nghiệp do tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ trong quá trình làm việc.
Với nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh, đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ của ngành y tế Yên Bái hàng ngày, hàng giờ phải thường xuyên, trực tiếp tiếp xúc với máu, dịch cơ thể, chất thải y tế của bệnh nhân, môi trường làm việc độc hại, đặc biệt là trực tiếp tham gia xử lý các vụ dịch truyền nhiễm nên có nguy cơ cao lây nhiễm các bệnh nguy hiểm như: HIV, viêm gan vi rút, lao, dịch bệnh khác...
Các yếu tố độc hại từ môi trường làm việc như: hóa chất, chất gây dị ứng, chất khử trùng, khí gây mê, bức xạ ion hóa, chất thải y tế độc hại...
Mặt khác, do đặc thù công việc, người lao động trong ngành y phải làm việc với cường độ lao động cao từ 10 - 12 giờ/ngày, chưa kể chế độ trực ca, kíp ngoài giờ. Bên cạnh đó, công việc của ngành đòi hỏi phải kịp thời và chính xác từng chi tiết nên tính khẩn trương và ý thức trách nhiệm đối với tính mạng người bệnh phải được đặt lên hàng đầu, trong khi đó, dư luận xã hội, các đòi hỏi của người bệnh và đặc biệt là thu nhập cá nhân thấp... đã ảnh hưởng đến tâm lý và sức khoẻ của nhân viên trong ngành y tế.
Được biết, tỉnh Yên Bái chưa có nghiên cứu hoặc thống kê về tình hình tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ nghề nghiệp của nhân viên ngành y tế, nhưng trên tinh thần thực hiện theo Chỉ thị số 29/CT-TW của Ban Bí thư cơ bản ngành y tế Yên Bái đã triển khai nghiêm túc và có hiệu quả. Đây là sự động viên, tạo động lực để đội ngũ y, bác sỹ yên tâm, tập trung cao độ cho chuyên môn, góp phần thắng lợi cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuyến - Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Hiện nay, đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ và nhân viên toàn ngành có trên 3.000 người, những năm gần đây, Nhà nước đã quan tâm và ban hành nhiều chính sách riêng cho nhân viên ngành y tế về bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe cho nhân viên như: cải thiện chế độ tiền lương, chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm, chế độ phụ cấp đặc thù nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên y tế…
Đặc biệt, trong danh mục 34 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm xã hội chi trả có 5 bệnh nghề nghiệp chủ yếu của ngành y tế. Tuy nhiên, các mức chi này còn hạn chế nên chưa đáp ứng so với với những điều kiện lao động đặc thù cũng như những ảnh hưởng tổn hại sức khỏe mà nhân viên y tế phải tiếp xúc trong quá trình làm việc.
Để giảm thiểu tình trạng này, Sở chỉ đạo công đoàn ngành quan tâm hơn nữa đến cán bộ, nhân viên, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp theo Chỉ thị số 29/CT-TW của Ban Bí thư... Được vậy, người thầy thuốc có khỏe mạnh, tinh thần thoải mái, phát huy hết khả năng, nhiệt huyết trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”.
Trần Minh