Tình trạng "chảy máu" bác sĩ đã xảy ra từ rất lâu. Cách đây 10 năm, Báo Yên Bái cũng đã không dưới một lần đề cập vấn đề này. Tuy nhiên, bài viết này sẽ đưa ra cái nhìn toàn diện hơn về tình trạng bác sỹ công xin nghỉ việc, thông qua ý kiến của những người trong cuộc.
Rất nhiều bác sỹ khi nghỉ việc tại các bệnh viện công ra làm việc tại các bệnh viện tư nhân đều cho rằng: "Tôi nghỉ việc ở bệnh viện Nhà nước chứ không bỏ nghề. Thay đổi môi trường, tôi còn phát huy được khả năng chuyên môn, chữa bệnh cho nhiều người hơn, chưa kể ra bệnh viện tư nhân còn góp phần cụ thể hóa chủ trương xã hội hóa về y tế của Đảng và Chính phủ”.
Có thể nói, ý kiến này không sai nhưng tình trạng bác sỹ tại các bệnh viện công ồ ạt xin nghỉ việc sẽ dẫn đến vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, làm đau đầu cơ quan quản lý Nhà nước về y tế.
Mặc dù chưa có thống kê chính thức nhưng qua khảo sát cho thấy, đại đa số bác sỹ xin nghỉ việc đều là bác sỹ có tay nghề khá, giỏi, được đào tạo bài bản, thuộc các chuyên khoa như: ngoại, mắt, răng hàm mặt, nội, nhi, gây mê hồi sức... Vấn đề này được lý giải bởi hai nguyên nhân.
Thứ nhất, bác sỹ được đào tạo bài bản, có tay nghề khá giỏi sẽ tự nhận ra nơi mình đang làm có môi trường làm việc không tốt, thu nhập không cao... chưa xứng đáng với khả năng và công sức của họ bỏ ra. Thứ hai, lĩnh vực chuyên môn ấy dễ kiếm việc làm, cụ thể là có sức hút mạnh từ các cơ sở y tế tư nhân.
Bác sỹ Nguyễn Thị N cho biết: "Làm việc hơn chục năm tại một cơ sở y tế công lập với rất nhiều áp lực, thu nhập của tôi chưa đến 10 triệu đồng mỗi tháng. Cơ hội thăng tiến ít, tôi đã quyết định ra ngoài làm. Ở nơi làm mới, tôi chỉ tập trung vào nhiệm vụ khám, chữa bệnh mà không phải lo lắng bất cứ việc gì, chủ sử dụng lao động tạo mọi điều kiện để tôi phát huy khả năng chuyên môn. Về thu nhập, mỗi ngày được 1 triệu đồng, chưa kể ăn trưa, đài thọ tham quan, nghỉ mát, được đi dự hội thảo chuyên ngành...”.
Trả lời báo chí mới đây, bác sỹ Nguyễn Trung Cấp - Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho rằng: "Bác sỹ ra đi không phải vì thu nhập cao mà là muốn có thu nhập cao một cách chân chính”.
Theo bác sỹ Cấp, bác sỹ ở bệnh viện công không phải không có cơ hội thu nhập cao. Họ có nhiều cách để tăng thu nhập cho mình như: làm thêm giờ, mổ thêm ca, tiền hoa hồng, nhận phong bì… Nhưng đó là những thu nhập không chính thức, không công khai. Còn các bệnh viện tư trả công theo năng lực, các bác sỹ giỏi có thu nhập cao một cách chân chính.
Ông Lê Xuân Trường - chủ một cơ sở y tế tư nhân cho biết: "Vấn đề bác sỹ xin nghỉ việc không chỉ diễn ra tại các bệnh viện công mà cả ở các bệnh viện tư, nếu không muốn nói là sức cạnh tranh trong thu hút nhân lực tại các cơ sở y tế ngoài công lập còn mạnh mẽ và gay gắt hơn bệnh viện công. Không ít bác sỹ thu nhập sáu, bảy mươi triệu đồng mỗi tháng, được quan tâm chăm sóc đầy đủ mà họ sẵn sàng bỏ việc”.
Như vậy có thể nói, câu chuyện bác sỹ xin nghỉ việc ồ ạt không nằm ngoài vấn đề đời sống, lao động và việc làm. Bác sỹ cũng chỉ là một nghề, khi lựa chọn nơi làm việc thì họ có ba câu hỏi: Làm ở đó thu nhập có khá không? Môi trường làm việc có tốt không? Khả năng thăng tiến thế nào? Dù xu thế "nhảy” việc đang diễn ra nhưng tâm lý, tình cảm của người Việt nói chung vẫn là gắn bó, ổn định, ngại thay đổi.
Tuy nhiên, khi mà ba câu hỏi trên đều có đáp án "thiếu hấp dẫn” thì người bác sỹ hoàn toàn có quyền lựa chọn và đưa ra quyết định mà họ cho là chuẩn xác, quyết định ấy hoàn toàn không sai luật và đáng trân trọng. Như vậy, mỗi ngày lại có thêm những bác sỹ nộp đơn xin thôi việc, những bác sỹ khác xin đi học nâng cao trình độ chuyên môn rồi "một đi không trở lại”.
Đến đây, câu hỏi làm gì để bác sỹ không nghỉ việc đã có lời giải. Đó chính là cải thiện điều kiện, môi trường làm việc và thu nhập cho cán bộ y tế nói chung và bác sỹ nói riêng! Chính tập thể lãnh đạo bệnh viện và chủ đầu tư phải là những người thực hiện lời giải này trên cơ sở cơ chế, chính sách, quản trị nhân lực, giải pháp kinh doanh...
Lãnh đạo các cơ sở y tế, nhất là y tế công lập phải thấy được vấn đề, tại sao các cơ sở y tế tư nhân không được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước nhưng họ vẫn thu hút được đông bệnh nhân và cả các bác sỹ.
Các cơ sở y tế như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Văn Yên, Bệnh viện Sản - Nhi đã chấm dứt tình trạng bác sỹ xin nghỉ việc, nhiều bác sỹ trẻ đang nộp hồ sơ xin vào đó làm việc... Có phải ở đó đang có môi trường làm việc tốt, vận dụng được cơ chế, chính sách để nâng cao thu nhập người lao động, được các cấp, các ngành và người dân ủng hộ?
Tấn Đạt