Tiên phong về thời gian, tiên phong về sự dấn thân, tinh thần quả cảm, thậm chí tiên phong cả trong mất mát, hy sinh… Tôi nhớ như in cảm giác sung sướng và hãnh diện khi lần đầu tiên được cầm tấm thẻ nhà báo cách đây hơn chục năm, cho đến bây giờ vẫn như mới.
Trong suy nghĩ của tôi, nhà báo thật sự phải là những nhà báo chuyên nghiệp, là những phóng viên, biên tập viên không quản nguy hiểm, lăn lộn trong từng góc đời, tìm ra những ẩn khuất để viết lên những gì chân thực nhất của cuộc sống; họ cũng chính là những người đầu tiên sẵn sàng lao vào nơi nguy hiểm để nhanh chóng, kịp thời mang luồng hơi thở tin tức thời sự nóng bỏng, hấp dẫn nhất đến với bạn đọc...
Tôi may mắn được tiếp xúc với môi trường báo chí ngay từ nhỏ, được gặp gỡ nhiều nhà báo tên tuổi trong làng báo như: cố nhà báo Trần Hòa Bình; nhà báo Tạ Ngọc Tấn; nhà báo Trần Đăng Tuấn; nhà báo Nguyễn Văn Dững; nhà báo Trần Bảo Khánh… Họ đều là những người thầy của tôi. Những điều tôi học được từ họ chính là "cách làm báo chân chính, làm báo để không phải xấu hổ với cuộc đời”.
Hơn chục năm làm nghề, tôi đã được gặp, được đọc, được sống và chứng kiến nhiều nhà báo ở mọi lĩnh vực. Họ thật sự là những tấm gương về nhân cách nghề nghiệp. Có thể dễ dàng nhận thấy, các nhà báo, phóng viên luôn có mặt ở mọi điểm nóng, các góc khuất để "vạch lá tìm sâu"; không ít vụ tham nhũng, tiêu cực ở mọi ngành nghề được nhà báo điều tra làm rõ.
Có lẽ với nhà báo, chẳng có "vùng cấm” nào cả. Họ không quản nguy hiểm, bất chấp mọi trở lực để mong muốn tìm đến sự thật. Trong bão lũ, trong chữa cháy rừng, trong trùng trùng gian khó, hiểm nguy của công cuộc vạch trần cái ác..., các nhà báo vẫn luôn dấn thân đi đầu, với niềm tin chiến thắng chưa hề phai nhạt. Điều đặc biệt nhất, tôi cho rằng, sự thật chính là cái nền của đạo đức nhà báo.
Nghề báo được xã hội ưu ái nhưng cũng đòi hỏi ở họ sự công bằng, chính trực và đây mới là những thách thức lớn với nhà báo. Tôi biết, có nhiều nhà báo thật sự là những tấm gương sáng cả nhân cách lẫn tài năng nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, cũng thật buồn lòng vì có không ít nhà báo lạm dụng nghề nghiệp tạo dựng cho mình những thứ nhất thời như cái danh hão và đam mê vật chất. Đạo đức của nhà báo là quan trọng bậc nhất. Nhà báo nếu thiếu đạo đức, nếu hành nghề vì một lý do khác ngoài lý do nghề nghiệp thì đó không chỉ là vấn đề của một cá nhân mà nó để lại vô vàn hệ lụy cho những gì được nhà báo đề cập đến.
Lịch sử báo chí Việt Nam đã chứng kiến những tấm gương nhà báo xả thân vì sự nghiệp; không ít nhà báo chiến sỹ ở nơi chiến trường ác liệt đưa tin, bài, ảnh phản ánh cuộc kháng chiến giữ nước chống ngoại xâm. Có những người đã vĩnh viễn nằm xuống vì Tổ quốc, nhà báo liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết của Báo Hoàng Liên Sơn khi xưa là một ví dụ điển hình. Anh đã hy sinh khi vừa cầm bút đưa tin chiến sự vừa cầm súng đánh giặc bảo vệ Tổ quốc.
Còn hôm nay, nhà báo trong thời kỳ phát triển đất nước luôn là những người tiên phong trong các vấn đề đời sống dân sinh, trong cuộc đấu tranh thiện ác, chống lại cái xấu và viết lên vẻ đẹp của con người, quê hương, đất nước.
Nhưng không phải thời bình thì không có hy sinh. Tôi còn nhớ như in cái ngày định mệnh 11/10/2017, khi nhà báo Đinh Hữu Dư của Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Yên Bái bị lũ cuốn trôi, hy sinh khi anh đang tác nghiệp trên Cầu Thia - thị xã Nghĩa Lộ trong đợt mưa lũ kinh hoàng…
Tấm gương hy sinh anh dũng của Giang Phong (bút danh của nhà báo Đinh Hữu Dư) thực sự làm xúc động triệu triệu trái tim người Việt, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, bạn bè, thầy cô giáo và hàng nghìn đồng nghiệp. Đó chính là sự hy sinh ở tuyến đầu, sự dấn thân của người mang sứ mệnh tiên phong.
Thời điểm hiện tại, theo thống kê, cả nước có hơn 800 cơ quan báo chí, trong đó có một hãng thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh truyền hình, còn lại là báo in, tạp chí và báo điện tử. Con số nhà báo được cấp thẻ khoảng gần 20.000 người, cùng rất đông những người làm báo nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ cùng đội ngũ cộng tác viên viết báo khổng lồ có ở tất cả các tòa soạn.
Với số lượng nhà báo và các cơ quan báo chí đông đảo như thế, có thể nói, không một vấn đề gì xảy ra, từ một vụ việc rất nhỏ ở nơi hẻo lánh xa xôi đến những vấn đề lớn của đất nước đều được các nhà báo cập nhật, phản ánh, đặc biệt với sự phát triển vũ bão của công nghệ hiện nay, các nhà báo còn sử dụng mạng xã hội... Vì vậy, mọi thông tin của đội ngũ những người tiên phong này đến với độc giả đều hết sức nhanh chóng, kịp thời.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dưới bất kỳ sức ép nào, từ bất kỳ thế lực nào, tin tưởng rằng, đội ngũ những người làm báo chân chính vẫn tìm ra được hướng đi đúng cho mình trên con đường thực hiện sứ mệnh tiên phong, là nhịp cầu nối trung thành giữa sự thật với nhân dân.
Nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2019), xin kính chúc các thế hệ làm báo trên mọi miền Tổ quốc dồi dào sức khỏe, luôn giữ vững hình ảnh "bút sắc, lòng trong” để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước!
Thiên Cầm