Đến hết tháng 5/2019, toàn tỉnh có 5.315 người tham gia BHXHTN, tăng 3.412 người so với cùng kỳ năm trước, đạt 84,9% kế hoạch năm. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2019, có gần 2.000 người đăng ký tham gia BHXHTN, đây là con số cao nhất từ trước đến nay.An sinh cho tuổi già
Từng là quân nhân, được tham gia BHXH, ông Đỗ Văn Quýt ở thôn Bình Lục, xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái sau đó làm việc cho Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái và tiếp tục được Công ty tham gia đóng BHXH bắt buộc khi tuổi đã khá cao (48 tuổi).
Tháng 10/2018, ông đủ 60 tuổi về hưu nhưng tổng thời gian đóng BHXH thì còn thiếu 35 tháng mới đủ điều kiện nhận lương hưu hàng tháng. Giữa việc nhận BHXH một lần với số tiền lớn hay đóng BHXH tự nguyện cho những tháng còn thiếu, ông Quýt không khỏi băn khoăn. Dù vậy, sau nhiều lần được nhân viên đại lý thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) của xã Văn Tiến vận động, thuyết phục, cuối cùng, ông cũng lựa chọn giải pháp bảo đảm dài hạn cho những ngày tháng về già.
Ông đã chọn hình thức đóng 1 lần với tổng số tiền trên 42 triệu đồng. Tính theo mức lương hiện tại, con số 78 triệu đồng tiền BHXH một lần sẽ chỉ bằng tiền lương hưu cơ quan BHXH chi trả cho ông trong vòng chưa đến 4 năm.
Chi tiêu ở một vùng quê, với mức lương hưu gần 2 triệu đồng/tháng, chưa kể có thêm thẻ BHYT, ông hoàn toàn có cơ sở để an tâm với cuộc sống của hai vợ chồng già mà không phải cậy nhờ quá nhiều vào hai người con có mức thu nhập bấp bênh.
Ông Đỗ Văn Quýt chia sẻ: "Tháng 10/2018, ngay sau khi đóng một lần tiền tham gia BHXHTN, đến tháng 11, tôi đã được nhận tháng lương hưu đầu tiên. Tôi cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều, không còn phải quá lo lắng cho những ngày tháng về già sau này”.
Bắt đầu từ tháng 6/2019 này, bà Vũ Thị Lý ở tổ Phúc Cường, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái rất phấn khởi khi được nhận tháng lương hưu đầu tiên của mình sau khi tham gia BHXHTN với hình thức đóng 1 lần cho 98 tháng còn thiếu để đến tuổi về hưu.
Bà Lý đã có quá trình tham gia BHXH bắt buộc tại nhiều đơn vị, đến năm 2015, bà nghỉ làm và được cán bộ phường tuyên truyền về chính sách BHXHTN nên bà đăng ký tham gia. Bà Vũ Thị Lý chia sẻ: "Cầm tháng lương hưu đầu tiên, tôi vui lắm, giờ mỗi tháng cũng có hơn 1,2 triệu đồng để phòng thân”.
Đột phá trong tuyên tuyền
Phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái là địa phương có đối tượng trong diện khai thác tham gia BHXHTN khá đông. Hai năm gần đây, UBND phường đã tăng cường vận động người dân tham gia loại hình bảo hiểm này.
Bà Nguyễn Tuyết Chinh - Phó Chủ tịch UBND phường Hồng Hà cho biết: "Năm 2019, phường được giao khai thác 93 người tham gia BHXHTN nhưng đến nay khai thác được 114 người. Hiện nay, trên địa bàn phường còn khoảng 400 - 500 đối tượng trong diện khai thác. Chúng tôi phối hợp với BHXH thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức hội nghị, đối thoại trực tiếp, sau mỗi hội nghị có 30 - 50 người đăng ký tham gia”.
Chính sách BHXH nói chung và BHXHTN nói riêng có ý nghĩa rất lớn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho những người lao động tự do khi tuổi về già. Vì vậy, thời gian qua, ngành BHXH Yên Bái đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động người lao động tự do tham gia BHXHTN. Theo số liệu báo cáo của BHXH tỉnh, 5 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã có gần 2.000 người tham gia BHXHTN, đưa số người lao động tham gia BHXHTN lên 5.315 người.
Ông Phạm Quốc Tuấn - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, kết quả này là minh chứng thuyết phục, rõ nét hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động. BHXH tỉnh đã tham mưu với tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương tập trung tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông tăng thời lượng, chất lượng phát sóng, thực hiện chuyên mục tuyên truyền chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước về BHXH, BHYT.
"Ngành đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia BHXHTN trong việc kê khai, lựa chọn phương thức đóng. BHXH tỉnh cũng giao chỉ tiêu đến từng đơn vị, cá nhân, đưa ra các mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXHTN hàng tháng; đồng thời, tiếp tục mở rộng, đào tạo, phát triển hệ thống đại lý thu BHXH” - ông Tuấn nói.
Hiện nay, phong trào thi đua vận động người tham gia BHXHTN của BHXH tỉnh Yên Bái đã và đang có hiệu quả, không những có sức lan tỏa tích cực đến mỗi cán bộ, viên chức ngành BHXH tỉnh Yên Bái mà còn có sức lan tỏa rộng khắp đến 306 nhân viên đại lý đang hoạt động trong 86 đại lý thu BHXH, BHYT qua hệ thống xã, phường, thị trấn tại 243 điểm thu trên địa bàn tỉnh.
Giải pháp phát triển
Để tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đối tượng tham gia BHXHTN, ngành BHXH tỉnh đưa ra nhiều giải pháp. Cụ thể, cùng với công tác truyền thông, BHXH tỉnh chú trọng đến các buổi đối thoại trực tiếp.
Ông Phạm Quốc Tuấn - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Yên Bái nhấn mạnh: "Trước hết, chúng tôi yêu cầu cán bộ của ngành BHXH phối hợp với các đại lý, chính quyền địa phương đi xuống từng địa phương, rà soát từng hộ gia đình, tìm và tổng hợp số đối tượng trong độ tuổi lao động nhưng chưa tham gia BHXH để vận động. Theo đó, phải lọc và chọn ra 5 nhóm đối tượng tiềm năng, từ đó tập trung vận động tham gia”.
Cụ thể, nhóm đối tượng tiềm năng nhất là những người đã có quá trình tham gia BHXH bắt buộc trước đó hiện đang dừng đóng; nhóm thứ 2 là những hộ gia đình, cá nhân có thu nhập ở mức khá trở lên; nhóm thứ 3, những người đóng vai trò là chủ gia đình; nhóm thứ 4, các hộ kinh doanh cá thể; nhóm thứ 5 là những người còn lại.
Trên cơ sở đó, BHXH huyện, đại lý thu tập trung ưu tiên vận động theo thứ tự các nhóm đã được phân chia. Phối hợp chặt chẽ với bưu điện đẩy mạnh các hình thức truyền thông như xây dựng clip, tờ rơi tuyên truyền, làm thư mời… sau đó, đến từng địa bàn truyền thông, vận động và giải đáp trực tiếp các thắc mắc của người dân.
Bà Nguyễn Tuyết Chinh - Phó Chủ tịch UBND phường Hồng Hà cho biết thêm: "Để khai thác hết đối tượng trên địa bàn, phường giao cho tổ trưởng các tổ dân phố rà soát, lập danh sách các đối tượng từng tham gia BHXH bắt buộc; trong độ tuổi lao động; các tiểu thương..., sau đó, mời họ tham gia các hội nghị kết hợp tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, họp tổ dân phố, cán bộ trực tiếp tuyên truyền, vận động người nhà tham gia...”.
Đối với những địa phương có số người tham gia BHXHTN đạt thấp như: huyện Mù Cang Chải 78 người, huyện Trạm Tấu 44 người, trong khi đối tượng trong diện có thể khai thác vận động còn khá nhiều, hiện ngành BHXH đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp như: phát tờ rơi bằng ngôn ngữ Việt - Mông, giao chỉ tiêu trực tiếp cho các xã và xét vào tiêu chí thi đua, xếp loại.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc BHXH huyện Mù Cang Chải cho biết, để phát triển đối tượng tham gia BHXHTN, BHXH huyện phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tuyên truyền, vận động; UBND huyện cũng đã có công văn chỉ đạo về việc phát triển đối tượng tham gia và giao chỉ tiêu về các xã. Đối tượng có khả năng tham gia mà BHXH hướng tới là người thân của cán bộ cấp xã, người thân của giáo viên các trường học trên địa bàn, các hộ kinh doanh, lao động tự do.
Ông Tuấn thông tin: "Năm 2019, chúng tôi giao chỉ tiêu cho cán bộ, viên chức BHXH huyện mỗi người phải vận động ít nhất 2 người tham gia BHXHTN và sẽ đánh giá vào tiêu chí thi đua cuối năm”.
Mặc dù đây là con số đạt được cao nhất từ trước đến nay nhưng so với tiềm năng để phát triển đối tượng tham gia BHXHTN trên địa bàn toàn tỉnh thì vẫn còn khiêm tốn. Thời gian tới, để thu hút được người dân tham gia BHXHTN, ngành BHXH cũng cần kiến nghị các bộ, ngành liên quan mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia BHXHTN như người tham gia BHXH bắt buộc; tăng thêm mức hỗ trợ đóng cho các đối tượng tham gia BHXHTN.
Hồng Duyên