Trường THPT Hồng Quang có 15 lớp với 619 học sinh là con em đồng bào ở địa bàn các xã dọc theo quốc lộ 70. Điều kiện kinh tế - xã hội ở đây còn có những khó khăn. Học sinh của Trường ngoài giờ học trở về nhà đều là những lao động chính, tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp của gia đình.
Từ thực tế đó, đơn vị, Chi bộ, Ban Giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị 05 phù hợp với từng năm học. Hàng năm, các thầy cô giáo của Trường đều được quán triệt chuyên đề học tập và làm theo Bác, chủ động hướng phấn đấu rèn luyện trở thành tấm gương cho học sinh noi theo.
Để tạo sự lan tỏa phong trào trong toàn trường, Chi bộ, Ban Giám hiệu đã thông qua hình thức kể chuyện và hát về Bác để tuyên truyền trong các lễ chào cờ đầu tuần. Mỗi buổi chào cờ, lớp trực tuần có trách nhiệm kể 1 câu chuyện và có một tiết mục múa hát về Bác Hồ kính yêu. Đều đặn hàng tuần, bình quân mỗi năm có khoảng 35 giờ chào cờ đầu tuần, thầy cô và học sinh được nghe tổng cộng trên dưới 70 câu chuyện và những bài hát về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thầy giáo Nguyễn Thế Bình - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hồng Quang chia sẻ: "Chúng tôi quán triệt tinh thần Hội thi đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm để các lớp chuẩn bị tham gia. Những câu chuyện các em kể về cuộc đời, tấm gương đạo đức của Bác đã nhận được sự quan tâm của học sinh giáo viên và cả các bậc phụ huynh. Kết thúc năm học, đến gần dịp sinh nhật Bác, Trường tổ chức hội thi để trao giải cho các em nên các lớp đã có sự đầu tư, chuẩn bị khá tốt cho tiết mục tham gia”.
Năm học 2018 - 2019 là năm thứ ba, Trường THPT Hồng Quang tổ chức Hội thi kể chuyện và hát về Bác Hồ kính yêu. Mỗi lớp chuẩn bị 2 tiết mục tham gia, đó là những câu chuyện kể được các em tìm kiếm, sưu tầm và thể hiện truyền cảm, hấp dẫn; những ca khúc ca ngợi Đảng, Bác Hồ và quê hương đất nước thể hiện bằng những giọng ca "cây nhà lá vườn” nhưng luôn nhận được sự tán thưởng, cổ vũ của khán giả.
"Dấu chân phía trước” - ca khúc được bạn Đặng Dự cùng tốp múa phụ họa của lớp 11A3 khá cầu kỳ trong dàn dựng tham gia cuộc thi. Đặng Dự chia sẻ: "Trong sinh hoạt văn nghệ của lớp, của trường, em thường vẫn chọn những bài hát về Đảng về Bác và bạn bè, trường lớp. Tiết mục này, chúng em tham khảo trên mạng Internet, quyết định chọn và tự tập theo hình ảnh trên clip đăng tải”.
Bài hát của Dự đã lọt qua vòng sơ khảo, được chọn cùng 10 tiết mục khác thể hiện ở vòng chung kết. Điều quan trọng là, những tiết mục này không chỉ dành riêng cho một hội thi. Đó chính là nội dung trong mỗi buổi chào cờ đầu tuần mà cả thầy và trò được thưởng thức trong suốt cả năm học. Sự sáng tạo ấy đã mang lại hiệu ứng tích cực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Kể xong câu chuyện "Bác đến thăm người nghèo”, thí sinh Lương Thị Nhớ - lớp 10A4 xúc động cho biết: "Dù Bác Hồ của chúng em bận trăm công ngàn việc, nhưng Bác luôn dành sự quan tâm đến mọi người dân, đối với người nghèo, Bác dành thời gian đến thăm hỏi, chia sẻ. Nhân dịp sinh nhật Bác, em kể câu chuyện này để tri ân công lao trời biển của Bác kính yêu”.
Người nghe cảm nhận được sự bình dị, gần gũi, rất đời thường của Bác thấm trong nhận thức, trong việc học và làm theo Bác hàng ngày của mỗi học sinh, có sức lan mạnh mẽ và thực chất. Cả Ban Tổ chức, học trò tham gia Hội thi, cũng như những khán thính giả đều chung một cảm nhận, đây là một cuộc thi rất bổ ích giúp cho bản thân hiểu thêm về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, từ đó suy nghĩ về những việc làm của mình.
Em Bùi Quang Linh - học sinh lớp 12A1 bày tỏ: "Hội thi rất có ý nghĩa với chúng em, là dịp để chúng em hiểu thêm về Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Qua đây, chúng em sẽ càng cố gắng để học tập thật tốt, phấn đấu rèn luyện trở thành công dân có ích”.
Giải nhất, giải nhì, các giải ba và giải khuyến khích trao cho các thí sinh tuổi học trò là niềm động viên, khuyến khích với các em. Điều đọng lại là sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của học sinh như thầy Nguyễn Thế Bình - Phó Hiệu trưởng nhà trường nhận định: "Thông qua Hội thi cũng như hoạt động diễn ra cả năm qua, học sinh của Trường đã căn bản thay đổi về ý thức, về phong cách, tác phong khi đến trường. Đó là tinh thần học tập, là nề nếp của học sinh và ý thức chấp hành an toàn giao thông ngày một tốt hơn”.
Đây rõ ràng là một kết quả đáng mừng, nhất là đối với lứa tuổi học trò, khẳng định cách làm của Trường THPT Hồng Quang rất cần được nhân rộng để việc học và làm theo Bác ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn.
Quang Tuấn