Theo khảo sát, hàng năm trên địa bàn huyện có gần 3.000 người là lao động nông thôn (LĐNT) thiếu việc làm, chủ yếu thuộc lĩnh vực nghề nông nghiệp chiếm 80%, nghề phi nông nghiệp 20%. Để đẩy mạnh công tác ĐTN, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 ở tất cả 22 xã, thị trấn. Nội dung triển khai tập trung tuyên truyền về các chính sách và tư vấn học nghề cho LĐNT thông qua các buổi họp từ xã đến thôn, bản.
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tăng cường phối hợp với các công ty, doanh nghiệp uy tín trong và ngoài tỉnh, mở các lớp dạy nghề và tuyển dụng lao động. Qua công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, NLĐ đã hiểu được quyền và nghĩa vụ khi tham gia học nghề, nắm bắt được cơ hội tìm việc làm và tích cực tham gia học nghề.
Trong khi đó, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã thực hiện khá tốt công tác đào tạo và tuyển dụng lao động trên địa bàn huyện, góp phần tạo việc làm hàng ngàn NLĐ. Đối với học sinh THCS và THPT, tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề sau khi tốt nghiệp để tư vấn hướng nghiệp học nghề theo nhu cầu.
Qua đó, đã hỗ trợ tích cực quá trình ĐTN, tạo điều kiện cho học sinh có môi trường thực hành tốt nhất, đồng thời giám sát quá trình đào tạo và chất lượng của học sinh sau khi ra trường. Hiện nay, trên địa bàn huyện Trấn Yên có Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện là cơ sở dạy nghề chính với 18 nghề đăng ký gồm nghề phi nông nghiệp (may, xây dựng, kỹ thuật nấu ăn) và nghề nông nghiệp (nuôi tằm và sơ chế kén tằm, trồng và sơ chế tre măng Bát độ, chăn nuôi - thú y, sản xuất rau an toàn…).
Năm 2018, Trung tâm đã mở 26 lớp ĐTN cho 2.217 NLĐ (ĐTN cho LĐNT theo Đề án 1956 là 780 người và xã hội hóa qua các cấp đào tạo 1.437 người). Trong 6 tháng năm 2019, đã ĐTN cho 1.374 người (theo Đề án 1956 là 3 lớp với 90 học viên và xã hội hóa ĐTN cho 1.274 người). Thông qua công tác ĐTN năm 2019, nhiều người đã chuyển dịch từ lao động nông nghiệp sang lĩnh vực ngành nghề khác như: lĩnh vực giao thông 35 người, cơ khí 18 người, may mặc 40 người, nhà hàng khách sạn 20 người, kinh doanh bán hàng và kế toán 37 người…
Để đẩy mạnh công tác ĐTN, Trung tâm đã bám sát sự chỉ đạo của huyện trong công tác định hướng phát triển kinh tế theo từng vùng để tổ chức dạy nghề như: nghề nuôi tằm và sơ chế kén tằm, tập trung ở các xã: Tân Đồng, Báo Đáp, Việt Thành; nghề trồng và chế biến măng tre Bát độ, ở các xã: Kiên Thành, Hồng Ca, Lương Thịnh; nghề trồng cây ăn quả có múi như cam, quýt, bưởi, ở các xã: Hồng Ca, Hưng Thịnh, Hưng Khánh, Lương Thịnh...
Phối hợp với một số công ty như: Công ty Vạn Đạt; Công ty Chăn nuôi công nghệ cao Hòa Yên thuộc Tập đoàn Hòa Phát; Công ty Dâu tằm tơ Tây Bắc… tư vấn tuyển dụng lao động và thu mua, bao tiêu sản phẩm. Từ chú trọng công tác ĐTN gắn với nhu cầu việc làm nên hàng năm trên địa bàn huyện đã có trên 2.000 người có việc làm và thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo.
Xác định công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho LĐNT là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giảm nghèo bền vững, thời gian tới, huyện Trấn Yên tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động; khảo sát nhu cầu học nghề của các địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong ĐTN và tuyển dụng lao động… góp phần ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Thạch Phong