Cách đây 25 năm, Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPC) được tổ chức đã đánh dấu một điểm khởi đầu mang tính đột phá.
Nội dung của Hội nghị đã giúp chúng ta hình dung được một cách toàn diện hơn về cách thức mà thế giới nhìn nhận về dân số, phát triển và quyền sinh sản. Tại đây, Việt Nam đã tham gia ký kết, nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa dân số và phát triển, kêu gọi lồng ghép đầy đủ các vấn đề dân số vào các chiến lược phát triển, vào công tác lập kế hoạch, ra các quyết định và phân bổ nguồn lực ở các cấp, các vùng.
Thực hiện những cam kết ấy, trong những năm qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công tác tuyên truyền, vận động đã được đẩy mạnh, huy động được sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể, mở rộng đến các nhóm đối tượng, nội dung phong phú, hình thức đa dạng. Đặc biệt là việc tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ KHHGĐ được duy trì 2 đợt mỗi năm tại các xã đặc biệt khó khăn đã tác động mạnh đến nhận thức của nhân dân và góp phần quan trọng trong việc tăng số người thực hiện KHHGĐ tại các địa bàn khó khăn của tỉnh. Hệ thống cung cấp dịch vụ KHHGĐ được củng cố và phát triển tập trung ở tuyến cơ sở.
100% số xã vùng đặc biệt khó khăn có đủ điều kiện làm dịch vụ KHHGĐ. Nhận thức và hành động của đại bộ phận người dân về chính sách DS-KHHGĐ đã có những chuyển biến tích cực. Số cặp vợ chồng thực hiện KHHGĐ đã tăng hàng năm, cơ bản duy trì ở mức trên 70% trong những năm gần đây; quy mô gia đình 2 con được chấp nhận ngày càng rộng rãi.
Tỷ lệ tăng DS tự nhiên đã được khống chế, duy trì ở mức 1,2%. Từ một tỉnh có mức sinh cao so với cả nước, năm 2012, tỉnh đã đạt mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh (số con bình quân của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) là 2,08. Tỷ lệ sinh con thứ ba giảm, giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên được duy trì dưới 10%; năm 2018 là 11,37%.
Các vấn đề về chất lượng DS đã bước đầu được đề cập và triển khai thực hiện. Từ năm 2011, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ, tỉnh Yên Bái đã triển khai thí điểm mô hình can thiệp giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) tại 15 xã vùng cao của 4 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên.
Qua đó đã làm giảm số cặp tảo hôn, HNCHT, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học lấy vợ, lấy chồng và các hệ luỵ khác ở các địa bàn này. Kết quả, số cặp tảo hôn giảm từ 31,1% (năm 2011) xuống 11,7% (năm 2014); số cặp HNCHT giảm từ 5 cặp xuống còn 2 cặp; tỷ lệ cặp vợ chồng có đăng ký kết hôn tăng từ 51,4% lên 87% năm 2014.
Theo Nghị quyết 25/2015/NQ- HĐND ngày 15/12/2015 "Phê duyệt đề án về công tác DS-KHHGĐ tại 72 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh giai đoạn 2016-2020” của HĐND tỉnh, hoạt động tuyên truyền can thiệp giảm tình trạng tảo hôn và HNCHT được triển khai tại Trạm Tấu và Mù Cang Chải, tiếp tục làm giảm tình trạng này ở đây.
Năm 2018, tỷ lệ tảo hôn tại huyện Trạm Tấu là 21,27% (giảm 2,03% so với năm 2017); huyện Mù Cang Chải là 19,1% (giảm 9,9% so với năm 2017); không có trường hợp HNCHT. Cùng đó, các mô hình, chương trình như "Tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân”, "Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, "Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”, "Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên” được triển khai đã góp phần từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng DS cả về thể chất và tinh thần.
Tiếp tục giảm sinh tại vùng cao, vùng khó khăn, chủ động duy trì mức sinh thay thế tại vùng thấp; hạn chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng DS và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh là mục tiêu chung của công tác DS trong thời điểm này.
Hạnh Quyên