Tính đến thời điểm này, ngành chức năng đã ghi nhận 1 ca tử vong do bệnh dại tại xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình. Tìm hiểu thực tế cho thấy, những trường hợp tử vong đều không được điều trị dự phòng bằng vắc-xin và huyết thanh kháng dại vì không rõ tiền sử phơi nhiễm với bệnh dại.
Bên cạnh đó, có trường hợp tử vong do người dân chủ quan, thiếu nhận thức về sự nguy hiểm của bệnh dại nên không đi tiêm phòng mà điều trị bằng thuốc nam. Nguy hiểm hơn, có những bệnh nhân sau khi tiêm vắc-xin phòng dại, còn uống các loại thuốc không theo quy định của bác sỹ dẫn đến vắc-xin mất tác dụng.
Bác sỹ Lê Hồng Quang - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: "Bệnh dại được xác định là bệnh lưu hành trên địa bàn tỉnh từ nhiều năm nay, thực tế cho thấy bệnh dại trên đàn chó gia tăng và diễn biến rất khác thường so với những năm trước đây. Bệnh xảy ra quanh năm và đã lan rộng không chỉ ở các huyện, thị vùng thấp mà sang cả các huyện vùng cao như: Trạm Tấu, Mù Cang Chải là những nơi từ trước tới nay chưa hề xuất hiện bệnh dại”.
Bệnh dại vẫn chưa có thuốc điều trị nên khi bệnh nhân đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong rất cao. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, khi bị chó, mèo cắn, bệnh nhân cần nhanh chóng xối rửa kỹ tất cả các vết thương ngay trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn hoặc cồn i ốt để làm giảm thiểu lượng vi rút tại vết cắn.
Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như: rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn, tuyệt đối không được băng kín vết thương và lập tức đưa đến cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời. Nếu vết cắn nặng, gần thần kinh trung ương (đầu, mặt, cổ, đầu các chi…) cần tiêm vắc-xin và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt. Nếu vết cắn nhẹ và xa thần kinh trung ương thì tiêm vắc-xin phòng dại và thôi tiêm nếu ngày thứ 10 súc vật cắn vẫn sống bình thường.
Hiện nay, ở mỗi huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh đã có ít nhất 1 điểm tiêm phòng tại trung tâm y tế huyện, riêng huyện Văn Chấn có 3 điểm và huyện Yên Bình có 3 điểm tiêm phòng dại. Các điểm tiêm có nhiệm vụ tổ chức giám sát phát hiện, báo cáo và quản lý các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại hàng ngày về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đồng thời vận động người phơi nhiễm đi tiêm phòng tại các điểm tiêm.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, số ca tử vong do bệnh dại tuy đã giảm, song bệnh dại vẫn có những diễn biến phức tạp do công tác quản lý đàn chó nuôi của nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức; chưa có biện pháp kiên quyết, chưa có chế tài xử lý trong trường hợp vi phạm; tỷ lệ chó được tiêm phòng dại đạt rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phòng dịch... Hơn thế, vắc-xin miễn phí và huyết thanh kháng dại hỗ trợ cho người nghèo, các hộ cận nghèo, đối tượng chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, còn trẻ em chưa được hỗ trợ.
Trước thực tế như vậy, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách, phòng, chống bệnh dại.
Đồng chí Lê Thị Hồng Vân - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Để phòng, chống bệnh dại hiệu quả thì phải tiến hành đồng bộ các giải pháp, cụ thể: tiêm vắc-xin dại cho chó mèo, để chó mèo không mắc bệnh dại, nếu không có chó mèo mắc bệnh dại thì người cũng không mắc bệnh. Việc này, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì cùng với chính quyền địa phương các cấp tổ chức thực hiện, vận động người dân tuân thủ việc tiêm vắc-xin phòng dại cho chó, mèo của gia đình mình. Ngoài ra, tuyên truyền bằng nhiều hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp trên các cơ quan thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức cho người dân”.
Trần Minh