Hướng tới kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2019)

Vị Xuyên - khúc tráng ca bất tử

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/7/2019 | 7:55:39 AM

Những ngày tháng Bảy tri ân, các cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên năm xưa khắp miền Tổ quốc người nối người lại hành hương tới Vị Xuyên. “Về đây đồng đội ơi” - lời hát trong ca khúc của nhạc sỹ Trương Quý Hải lại cất lên trên Đài hương 468 làm nghẹn ngào biết bao cựu chiến binh và cả triệu người Việt Nam những ngày tháng Bảy này.

Các cựu chiến binh bên Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Vị Xuyên.
Các cựu chiến binh bên Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Vị Xuyên.


Tôi may mắn được tham gia đoàn quân lên Vị Xuyên năm xưa để thực hiện nhiệm vụ cứu chữa thương bệnh binh tại một quân y viện nhằm đảm bảo công tác quân y toàn tuyến Hà Tuyên những năm ấy. 

Được chứng kiến những đoàn quân ra trận, những cuộc "chia ly màu đỏ” của đoàn quân lên trận tuyến với nhân dân nơi hành quân qua, được tham gia cứu chữa thương binh từ mặt trận chuyển về cả giai đoạn 1981 – 1986 mà cao điểm là Chiến dịch MB84, M1-85 và sau này, cùng các đồng đội quay lại Vị Xuyên mỗi khi tháng Bảy về, được tiếp xúc các chỉ huy mặt trận, chiến dịch năm xưa trong Ban liên lạc toàn quốc Mặt trận Vị Xuyên, được nghe các cựu chiến binh thuộc Sư đoàn 356 ôn kể lại những giây phút, tháng ngày hào hùng, bi tráng nên càng thêm trân trọng sự hy sinh anh dũng của hơn 4.000 liệt sỹ đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, để có hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ như hôm nay. 

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979, quân và dân ta đã anh dũng đánh trả quyết liệt, tiêu diệt hàng chục nghìn tên địch, thu và phá hủy nhiều vũ khí, khí tài, buộc địch phải rút về bên kia biên giới. Tuy nhiên, âm mưu bành trướng, phá hoại, lấn chiếm lãnh thổ nước ta của chúng không dừng lại. 

Tại Hà Giang, lúc bấy giờ là tỉnh Hà Tuyên, địch liên tục đánh phá, gây hấn, lấn chiếm làm mất ổn định biên giới của ta suốt toàn tuyến, từ Hoàng Su Phì, Xín Mần, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc đến Vị Xuyên. 

Để bảo vệ chủ quyền biên giới, trên đã điều động Sư đoàn 313, Sư đoàn 314 lên trấn ải hướng Vị Xuyên; Trung đoàn 247 chủ lực địa phương trấn giữ tại Xín Mần, còn lại do lực lượng vũ trang thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tuyên đảm trách. Lực lượng của ta đã chiến đấu, chốt giữ an toàn, đầy quả cảm. Biên giới được vẹn toàn. 

Đến cuối tháng 4/1984, với ý đồ vẽ lại đường biên giới Bắc ở Vị Xuyên, địch đã huy động 20 sư đoàn thuộc 8/10 đại quân khu với hàng chục nghìn xe tăng, hàng vạn khẩu pháo các loại đồng loạt nổ súng đánh chiếm các cao điểm thuộc biên giới, lãnh thổ của ta: gồm điểm cao 1509, các bình độ liên quan như 1100, 1200; cao điểm 772, 685; các bình độ 300, 400, 233... thuộc phía Tây sông Lô và các cao điểm 1030 (Đông Sơn), 1250 (Núi Bạc), Si Cà Lá (núi Pha Hán) thuộc phía Đông sông Lô; chiếm sâu vào lãnh thổ ta trên 20 km. 

Trước tình hình trên, ta quyết tâm đánh giặc để giải phóng những vùng đất, điểm cao bị địch chiếm đóng, cuộc chiến Vị Xuyên - chiến dịch mang mật danh MB84, M1-85 bắt đầu. 5 giờ sáng ngày 12/7/1984, hiệu lệnh nổ súng toàn mặt trận của chiến dịch MB84 diễn ra. 

Hỏa lực của ta nhả đạn dồn dập lên các mục tiêu đã định, tiêu diệt cơ bản lực lượng địch, bộ binh ta tràn lên đánh chiếm các mục tiêu. Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, hỏa lực của hai bên cày xới núi đá thành bụi vôi trắng xóa. 

Ta và địch tranh giành nhau từng mét đất, từng chiến hào, từng mỏm đồi, từng công sự. Bộ đội ta chiến đấu dũng cảm, kiên cường, nhưng không tương sức. Đến cuối ngày 12/7, xác địch chết chất chồng, quân ta cũng tổn thất rất nặng nề: hơn 1.000 cán bộ, chiến sỹ ta hy sinh, trong đó tại cao điểm 772 và 685, hơn 600 cán bộ chiến sỹ của F356 đã vĩnh viễn nằm lại. 

Sau ngày 12/7, nhiều mẹ, nhiều chị tự mang khăn trắng; các hoạt động cứu trợ, công tác động viên, vận động ủng hộ bộ đội được tiến hành ấm tình quân dân, khích lệ chiến sỹ. Tại các tuyến quân y, thương binh từ mặt trận về dồn dập, công tác cứu thương được triển khai suốt ngày đêm, hậu cần liên tục tăng cường, toàn khu vực đóng quân không ngủ trong mấy tuần sau đó. Sau chiến dịch MB84, ta bắt đầu chiến dịch M1085. 

Quân và dân ta kiên cường, anh dũng, quả cảm, cuộc chiến giành giật, đổi chủ nhiều lần từng công sự, từng điểm cao, từng mét đất liên tục diễn ra trong nhiều tháng sau đó. Trong chiến dịch này, có lúc các chiến sỹ ta trong quá trình chiến đấu giữ chốt, thương vong nhiều, lực lượng còn lại quá mỏng, địch tràn lên chiến hào, anh em đã gọi pháo ta dội chùm lên trận địa, chấp nhận hy sinh để tiêu diệt địch, bảo vệ chốt. 

Trong trận chiến đấu ngày 18/1/1985, 17 cán bộ, chiến sỹ của B2, C5, D2, E876, F356 đã đẩy lui 11 đợt tấn công của 1 tiểu đoàn địch. Trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh đã khắc lên báng súng: "Sống bám đá đánh giặc - Chết hóa đá bất tử”. 

Trong trận chiến đấu trên cao điểm E4 thuộc cao điểm 685, khi trung đội chỉ còn lại 3 người, chiến sỹ quân y Lê Trần Mãn đã đứng lên chỉ huy đánh đến cùng, khi phát hiện địch lên cắm cờ chiếm điểm cao, anh đã xông lên đạp ngã tên địch, ném cờ địch xuống và giương cao lá cờ của ta trên điểm cao trong tư thế xung phong, sẵn sàng hứng trọn nhiều loạt đạn của địch. Máu của anh nhuộm thắm màu cờ. Sau trận đánh, anh được truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 

Cũng ở Vị Xuyên, trong trận đánh quyết tử vào cao điểm 300, 400 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Xuân Thuyên chỉ huy, tới nay các cựu chiến binh nhớ vẫn vang mãi câu thề: "Giặc này phải đánh, không thắng không về”. 

Cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở Vị Xuyên đã đi vào huyền thoại, với những trận chiến trên "lò vôi thế kỷ” với khẩu hiệu "Sống bám đá chiến đấu, chết hóa đá bất tử”. Lên Vị Xuyên những ngày tháng Bảy tri ân, trước Đài hương 468, những cựu chiến binh năm xưa cùng lớp lớp con cháu nghẹn ngào tưởng nhớ các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh gìn giữ chủ quyền quốc gia và biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Một nén tâm nhang, triệu nén tâm nhang tưởng nhớ các Anh - mãi nhớ về Vị Xuyên những ngày tháng Bảy.

Hoàng Đức Vượng

Tags Vị Xuyên quân y liệt sỹ

Các tin khác
Công an tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy ký kết chương trình phối hợp công tác dân vận năm 2017.

Thực hiện Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”, hàng năm, Công an tỉnh gắn việc triển khai nội dung Chỉ thị với quán triệt, học tập, thực hiện nghị quyết đại hội Đảng và các nhiệm vụ chính trị, nghiệp vụ.

Qua rà soát, năm 2018 toàn tỉnh Yên Bái có 883 hộ người có công (NCC) với cách mạng khó khăn về nhà ở, trong đó đề nghị làm mới 305 nhà, sửa chữa 578 nhà.

Quang cảnh Hội thảo

Ngày 23/7, Chi hội Văn xuôi, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo văn học về nhà văn Hoàng Việt Quân với chủ đề “Hoàng Việt Quân - tác giả, tác phẩm”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục