Chiều 25/7, tại Hà Nội, Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) đã khai trương Trung tâm Giám định ADN.
Tại Việt Nam, đầu năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 150 "Xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin”. Theo đó, Viện Công nghệ sinh học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là một trong ba đơn vị chủ chốt được giao nhiệm vụ phân tích ADN để định danh cho các mẫu hài cốt liệt sĩ, bên cạnh Viện Pháp Y Quân đội (Bộ Quốc Phòng) và Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an).
Từ năm 2000, Viện Công nghệ sinh học đã bắt đầu sử dụng ADN trong phân tích giám định hài cốt liệt sỹ ở quy mô thử nghiệm khoảng 30 mẫu/năm. Từ bước đi tiên phong này, Viện Công nghệ sinh học trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam xây dựng thành công quy trình công nghệ phân tích ADN hài cốt liệt sỹ và đã chuyển giao công nghệ cho các đơn vị giám định khác.
Tháng 7/2019, Viện Công nghệ sinh học đã hoàn thành Dự án "Đầu tư nâng cấp Trung tâm Giám định ADN hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin tại Viện Công nghệ sinh học" nhằm đảm bảo năng lực phân tích 4.000 mẫu hài cốt liệt sĩ mỗi năm. Để làm được điều này, Trung tâm Giám định ADN được trang bị các thiết bị phục vụ cho công việc tách chiết ADN tự động, khuếch đại và kiểm định ADN, hệ thống giải trình tự ADN thế hệ mới, hệ thống server lưu trữ và phân tích dữ liệu…
Giáo sư, tiến sĩ (GS.TS) Phan Ngọc Minh- Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam nhấn mạnh: Đây là trung tâm đầu tiên tại VN và đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới về giám định ADN. Chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi khi được Đảng và Chính phủ quan tâm đầu tư. Viện Hàn lâm KHCN VN, Viện Công nghệ sinh học cũng như Trung tâm quyết tâm thực hiện nhiệm vụ để nhanh chóng thực hiện nguyện vọng của Đảng, Chính phủ cũng như của nhân dân về vấn đề định danh hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và đặc biệt là góp phần tri ân sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ cho Tổ quốc.
Trung tâm Giám định ADN gồm tổ hợp 10 phòng sạch với các chức năng xử lý mẫu hài cốt và mẫu thân nhân, các phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu và phát triển, khu vực lưu trữ mẫu, khu vực kiểm định/kiểm chuẩn, hệ thống server và hệ thống văn phòng trên diện tích 750m2 tại Khu nghiên cứu và triển khai công nghệ Cổ Nhuế. Trung tâm đặt mục tiêu trở thành đơn vị hạt nhân về công nghệ tách chiết và phân tích ADN/di truyền từ các mẫu xương lâu năm, các mẫu xương cổ và hướng tới trở thành trung tâm đào tạo nhân lực quốc tế trong giám định di truyền hình sự và di truyền cá thể.
PGS.TS Chu Hoàng Hà- Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) cho rằng, để hoàn thành tốt Đề án 150 cũng như giám định hài cốt liệt sĩ, cần phải tiếp tục nghiên cứu. Nghiên cứu để hoàn thiện phương pháp, để đưa ra những phương pháp mới, sử dụng những thiết bị mới, hiện đại nhất mà hiện nay thế giới có để đưa vào công tác giám định, tăng năng suất đểmà sớm hoàn thành công việc định danh hài cốt của Việt Nam.
Là đơn vị có thế mạnh về nghiên cứu và phát triển công nghệ, trong những năm tới, ngoài việc thực hiện công tác giám định ADN thường xuyên, Trung tâm Giám định ADN hướng tới các nghiên cứu hoàn thiện công nghệ giám định ADN hài cốt liệt sỹ dựa trên thành tựu nghiên cứu mới nhất trên thế giới, sử dụng trang thiết bị hiện đại, nhằm bắt kịp trình độ giám định ADN tại các nước tiên tiến.
(Theo VOV)