Năm học 2016-2017, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Đại Sơn và Trường PTDTBT THCS xã Đại Sơn được sáp nhập thành Trường PTDTBT TH&THCS Đại Sơn, đây cũng là trường đầu tiên thực hiện sáp nhập trên địa bàn huyện Văn Yên.
Ông Hà Như Hùng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Việc sáp nhập đã thể hiện rõ những mặt tích cực trong thực hiện tinh giản biên chế. Nhà trường đã giảm 3 cán bộ quản lý và 2 điểm trường lẻ, giúp cán bộ giáo viên không phải đi dạy các điểm trường xa; trang thiết bị tập trung, đầy đủ hơn. Nhờ đó, các hoạt động của nhà trường từng bước được nâng cao.
Các trường: Tiểu học Hoàng Thắng, THCS Hoàng Thắng và Trường Mầm non Hoàng Thắng tháng 11/2016 được sáp nhập thành 1 trường với tên gọi Trường TH&THCS Hoàng Thắng. Sau khi sáp nhập, nhà trường đã giảm được 2 cán bộ quản lý, 2 nhân viên hành chính.
Cô Vũ Thị Hạnh - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Hoàng Thắng cho biết: "Qua sáp nhập, cùng với tinh giản biên chế, nhà trường đã khai thác, phát huy tối đa hiệu quả việc sử dụng trang thiết bị, đồ dùng dạy học hiện có, từ đó khắc phục tình trạng thừa, thiếu phòng học giữa các cấp học.
Thực tế cho thấy, sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ của huyện Văn Yên đã tăng lên rõ rệt. Số trẻ được khám sức khỏe định kỳ đạt 100%; trẻ được cân đo theo dõi biểu đồ đạt 100%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi hiện còn 7,3%, giảm 1,4% so với trước khi thực hiện đề án (năm học 2015-2016); tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn 5,4%, giảm 0,7%.
Về chất lượng giáo dục: cấp tiểu học, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt 80,8%, tăng 13,1%; số lớp ghép 2 trình độ hiện còn 6 lớp với 88 học sinh, giảm 12 lớp; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 99,7%, tăng 0,3%. Việc sắp xếp lại cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đảm bảo theo nhu cầu. Sau sắp xếp, đội ngũ giáo viên các trường được cân đối về số lượng, cơ cấu bộ môn, không có tình trạng thừa thiếu quản lý, giáo viên, nhân viên giữa các trường. Do đó, cán bộ giáo viên đã ổn định về tư tưởng, yên tâm công tác.
Ông Phạm Xuân Sơn - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Yên cho biết: "Những điểm trường sáp nhập phần lớn đều có quy mô nhỏ, ít học sinh, sau khi sáp nhập giúp các trường tận dụng, khai thác, phát huy tối đa hiệu quả việc sử dụng trang thiết bị, đồ dùng dạy học hiện có, từ đó khắc phục tình trạng thừa, thiếu phòng học giữa các cấp học trong cùng một địa bàn. Đặc biệt, đối với học sinh ở điểm trường lẻ khi dồn về điểm trường chính, học sinh được hưởng lợi vì được học đầy đủ các môn học, nhiều em được hưởng chế độ bán trú”.
Để việc sáp nhập trường diễn ra thuận lợi, trong quá trình tổ chức, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được ngành giáo dục huyện quan tâm thực hiện là ổn định tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường khi sáp nhập. Từ đó, Phòng đã chỉ đạo Ban Giám hiệu phối hợp chặt chẽ với Ban Chấp hành Công đoàn các trường tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, giáo viên, nhân viên sau khi sáp nhập bàn bạc, thống nhất các biện pháp tháo gỡ, tạo sự đoàn kết, nhất trí cao, môi trường ứng xử thân thiện trong nhà trường.
Việc thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học trên địa bàn đã góp phần giúp huyện Văn Yên thu gọn đầu mối, khắc phục dứt điểm tình trạng nhiều cơ sở trường học trên cùng một địa bàn có quy mô quá nhỏ, gây lãng phí về bộ máy biên chế quản lý cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị; bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục, góp phần hoàn thành tốt hơn mọi nhiệm vụ được giao.
Anh Dũng