Tuyển sinh đại học 2019: Nhiều trường "trắng" thí sinh

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/8/2019 | 2:20:38 PM

Bức tranh tuyển sinh 2019 phân định rất rõ hai màu sáng – tối. Bên cạnh những trường đại học (ĐH) điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển điểm thi THPT quốc gia cao chót vót, có những trường, chỉ cần 3,4 điểm/môn là trúng tuyển. Thậm chí, có trường không có thí sinh.

Tân sinh viên nhập học tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội sáng 11/8 /2019
Tân sinh viên nhập học tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội sáng 11/8 /2019

Kết thúc đợt xét tuyển lần I, số liệu thống kê của Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD&ĐT) cho thấy, khoảng 49% đơn vị tuyển sinh có số thí sinh trúng tuyển từ đủ chỉ tiêu trở lên; 61% số đơn vị tuyển sinh đạt từ 70% trở lên so với chỉ tiêu. Có 26% đơn vị  tuyển được dưới 50% chỉ tiêu và 7% đơn vị không có thí sinh trúng tuyển, không tham gia lọc ảo. Như vậy, với 334  mã trường xét tuyển từ  điểm thi THPT quốc gia  năm nay, có hơn 20 trường không có thí sinh trúng tuyển, không tham gia lọc ảo.

Trao đổi với Tiền Phong, tiến sĩ (TS) Nguyễn Ngọc Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định) cho biết, trường chỉ có 3 thí sinh đăng ký xét tuyển, năm nay trường không có thí sinh nào trúng tuyển ĐH. TS. Nguyễn Ngọc Hùng nói do trường đang chuyển đổi nên mấy năm nay không tuyển được sinh viên. Mấy năm nay, ĐH Lương Thế Vinh duy trì hoạt động bằng các lớp đào tạo thạc sĩ, đào tạo liên kết. Giai đoạn đầu mới thành lập, trường tấp nập sinh viên ra vào. Thế nhưng từ khi Nam Định công bố không tuyển viên chức, công chức có bằng ĐH ngoài công lập, tại chức, tuyển sinh của trường teo tóp dần và đến giờ thì "tắt” hẳn đối với đào tạo ĐH chính quy.

Hơn 3 điểm/môn trúng tuyển

Nhiều trường ĐH địa phương có điểm chuẩn rất thấp. Trường ĐH Quảng Nam đào tạo 13 ngành hệ ĐH chính quy thì trừ 6 ngành đào tạo sư phạm với điểm chuẩn bằng đúng điểm sàn quy định của Bộ GD&ĐT (18 điểm), 7 ngành đào tạo cử nhân đều lấy 13 điểm. Mức điểm chuẩn này đã bao gồm cả điểm cộng ưu tiên khu vực và đối tượng. Như vậy, với mức điểm cộng ưu tiên khu vực và đối tượng cao nhất mà thí sinh được hưởng là 2,75 điểm thì chỉ cần đạt 10,25 điểm/3 môn là đã trúng tuyển. 

Trong danh sách thí sinh trúng tuyển vào trường ĐH Quảng Nam, một số thí sinh có điểm thi rất thấp. Ví dụ, có thí sinh trúng tuyển vào ngành công nghệ thông tin  của trường điểm thi môn Toán là 3,8 điểm, môn Ngữ văn 3,25 điểm và môn Anh văn 3,6 điểm. Tổng điểm thi 10,65, cộng 2,75 điểm ưu tiên khu vực và đối tượng, thí sinh này được 13,4 điểm, thừa 0,4 điểm so với điểm chuẩn. Trong khi đó, một số ngành sư phạm của trường ĐH Quảng Nam, theo danh sách trường công bố trúng tuyển đợt 1 chỉ có 1 thí sinh trúng tuyển như Sư phạm Toán, Sư phạm Vật lý.

Tương tự, trường ĐH Hà Tĩnh đào tạo 18 ngành hệ ĐH chính quy thì chỉ có 5 ngành sư phạm điểm chuẩn bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT, 13 ngành còn lại, điểm chuẩn chỉ là 13,5 điểm.

Theo đánh giá của Vụ Giáo dục ĐH, năm nay, đề thi đáp ứng tiêu chí 60% là kiến thức cơ bản để xét tốt nghiệp phổ thông. Phân tích phổ điểm cho thấy đề có độ phân hóa tốt. Nếu căn cứ vào tỷ lệ thí sinh đạt từng ngưỡng điểm thì năm nay 13 điểm chỉ tương đương với mức 12 điểm của năm 2018.  Như vậy, có thể nói với mức điểm chuẩn chỉ 13 điểm hay 13.5 điểm thì năng lực của thí sinh chưa đạt được mức kiến thức cơ bản để xét tốt nghiệp.

Một chuyên gia từng công tác tại Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết, bức tranh tuyển sinh ĐH của Việt Nam ngày càng bộc lộ rõ khoảng cách giữa các trường ĐH. Các trường ĐH địa phương khó tuyển sinh  nguyên nhân chưa  hẳn là do chất lượng đào tạo không tốt. "Nhiều người dân vẫn giữ quan điểm đã học ĐH là phải ra các thành phố lớn, không thể học ở trường ĐH tỉnh, khó có thể "ly nông”.  Nhìn thấy ngay quan điểm này ở chính khu vực Hà Nội. Những trường ĐH "đóng đô” ở các quận huyện vùng ven của thành phố cũng phải tìm mọi cách để có văn phòng tuyển sinh ở trong nội thành. Có như thế mới hút được người học” - chuyên gia này phân tích.

Vẫn theo vị này, các trường ngoài công lập đang có chủ trương rất không tốt khi cho rằng chỉ cần xây xong mấy tòa nhà là có thể đào tạo được ĐH mà không chịu đầu tư thêm cho cơ sở vật chất. "Một số trường đã quá tận dụng đội ngũ cán bộ, giảng viên của các trường ĐH công lập về hưu mà không chịu đầu tư tuyển dụng, đào tạo các cán bộ, giảng viên trẻ. Như vậy không thể có được sức bật, sự sáng tạo để phát triển  một trường ĐH” - chuyên gia này nhận xét.

Hiện nay, việc tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường. Bộ GD & ĐT chỉ có vai trò giám sát, định hướng. Chính vì vậy, các trường lấy điểm chuẩn thấp, Bộ GD & ĐT không có quyền can thiệp mà chỉ khuyến cáo các trường cân nhắc trong việc quyết định chính sách chất lượng của trường mình. Xác định điểm quá thấp cũng đồng nghĩa với việc các trường tự xác định vị thế chất lượng thấp của mình trong hệ thống.

(Theo TP)

Các tin khác

Sáng 12/8, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức Hội thi kể chuyện về Bác Hồ và những điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ chí Minh giai đoạn 2016 - 2019.

Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, trong chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2019, các đoàn viên thanh niên (ĐVTN) huyện Yên Bình tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần thúc đẩy an sinh xã hội, kinh tế - xã hội địa phương phát triển, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Đoạn đường trước cổng Trường THPT Cảm Nhân, xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình luôn trong tình trạng ngập ngụa bùn đất dù nhiều ngày không có mưa.

Mỗi khi mưa gió, nước ngập quá nửa bánh xe, người dân đi lại khó khăn, thường xuyên bị ngã, bùn đất bắn lên quần áo, chưa kể cũng chỉ vì xuống cấp mà khu vực này thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông… Đó là tình trạng của đoạn đường trước cổng Trường THPT Cảm Nhân, thuộc địa phận thôn Lạnh 1, xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình.

Nhiệt độ cao nhất ở nhiều địa bàn là 36 – 38 độ C.

Ngày hôm nay (12/8), thời tiết tỉnh Yên Bái tiếp tục nắng nóng diện rộng, với nhiệt độ cao nhất từ 35 - 37 độ C. Đợt nắng nóng này kéo dài đến khoảng ngày 14/8.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục