Ông Hà Trung Đoàn - một nông dân ở xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên kể lại với cán bộ an ninh như sau: "Họ đến vận động tuyên truyền, mời gọi tôi tham gia. Tôi đồng ý, nộp tiền rồi họ đưa cho tôi mảnh giấy màu vàng này”.
Mảnh giấy có vài dòng chữ viết vội, có lẽ ông Đoàn chưa bao giờ hiểu được nội dung: "Hà Trung Đoàn, ID trungdoan, pas 12345678, Gmail hadoanpaya2019@gmail.com, pas 12345678”: và cũng từ đấy, ông Đoàn chưa bao giờ truy cập vào tài khoản mà nhân viên tư vấn đưa cho để nhận được tiền hoặc thực hiện các giao dịch kinh doanh sinh lời. Đáng tiếc rằng, ở khu vực Lương Thịnh, Hưng Khánh (Trấn Yên) không chỉ có ông Đoàn mà nhiều người khác cũng "mắc” vào cái gọi là "ví điện tử PayAsian”.
Để có thông tin đầy đủ hơn về loại hình ví điện tử PayAsian và tiền ảo mang tên Paya, chúng tôi đã bỏ công tìm hiểu và thu thập được một số thông tin như sau: xuất hiện từ đầu năm 2019, ngay sau đó hàng loạt cơ quan truyền thông chính thống đã đồng loạt cảnh báo rất nhiều rủi ro khi tham gia vào loại hình "ví điện tử PayAsian”; đồng tiền ảo Paya cũng chỉ là đồng tiền tự xưng, không hề được cấp phép.
Trên mạng xã hội xuất hiện những tài khoản tự nhận mình là nhà quản lý, nhà tư vấn tiền ảo Paya, họ không ngừng đăng tải thông tin quảng bá về sản phẩm tiền ảo Paya. Trước những bài viết lên án loại hình kinh doanh không được phép, rủi ro cao này thì họ (những người đại diện của đơn vị phát hành ví điện tử và đồng tiền ảo nói trên) lên mạng xã hội phát trực tiếp bài nói chuyện cho rằng Paya đang trong giai đoạn tìm thị trường.
Đồng tiền này đã được sử dụng rộng rãi tại 49 nước châu Á, cộng thêm các loại tiền USD, EURO… đến tháng 9 năm 2020, đồng Paya sẽ được sử dụng trên phạm vi toàn cầu - nhân vật trong video khẳng định.
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7/2019 của Chính phủ, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã khẳng định: "Ngân hàng Nhà nước không cấp phép cho bất cứ một tổ chức nào cung ứng dịch vụ ví điện tử có tên gọi là PayAsian hay Paya!”.
Theo lời đại diện của cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ thì PayAsian hay Paya đều không phép và điều ấy đồng nghĩa với việc "ví điện tử PayAsian” và tiền ảo mang tên Paya là bất hợp pháp.
Ông Đinh Trọng Giang - Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Yên Bái thông tin thêm: cung ứng dịch vụ thanh toán là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi tuân thủ và thực hiện rất nhiều quy định của pháp luật và cơ quan quản lý Nhà nước như Luật Đầu tư, nghị định của Chính phủ, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước; quá trình hoạt động phải chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước…
Nạn nhân vụ vỡ đường dây tiền ảo 15 nghìn tỉ đồng tại Công ty cổ phần Modern Tech có trụ sở tại
thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 4/2018 (Ảnh: Báo An ninh Thủ đô)
Khi tham gia vào loại hình dịch vụ không phép này, người dân sẽ chịu rất nhiều rủi ro vì pháp luật không công nhận, không được các cơ quan quản lý giám sát và không được bảo vệ… Như vậy, nguy cơ mất tiền là rất cao, chưa kể tới nguy cơ tham gia vào những hành vi vi phạm pháp luật khác như "rửa tiền”.
Đến nay, Ngân hàng Nhà nước mới cấp phép hoạt động cho 30 đơn vị triển khai dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 27 "ví điện tử”; danh sách các tổ chức được cấp phép được công bố trên trang Web của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mọi người có thể tìm hiểu những quy định của loại hình dịch vụ mới này.
Về vấn đề "ví điện tử PayAsian” và "đồng tiền ảo Paya”, nhiều chuyên gia lĩnh vực tài chính, ngân hàng, luật sư sau khi tìm hiểu về loại hình ví điện tử PayAsian và tiền ảo Paya đều cho rằng, tổ chức quảng bá và cung cấp dịch vụ này có những biểu hiện mờ ám, trong đó phải kể tới hành vi huy động tiền của người tham gia theo hình thức đa cấp - một việc làm mà Ngân hàng Nhà nước không hề quy định trong việc cấp phép ví điện tử.
Ví điện tử là một công cụ thanh toán thông minh, hữu hiệu, đã và đang được nhiều người sử dụng trong thanh toán. Tuy nhiên, đó phải là loại ví, loại hình dịch vụ có phép, được pháp luật công nhận và tuân thủ đúng những quy định của Nhà nước. Với những loại ví điện tử không phép như PayAsian thì rất có thể đó chỉ là phương tiện để kẻ xấu lợi dụng móc túi người dân.
Với những người nông dân nghèo như ông Hà Trung Đoàn ở Hưng Khánh đã mất mấy triệu cho cái gọi là "ví điện tử PayAsian” và "tiền ảo Paya” thật đau xót. Người dân cần hết sức cảnh giác, không nên vì những lời nói ngon ngọt, những viễn cảnh như thiên đường, những siêu lợi nhuận nhanh chóng để rồi đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình một đi không trở lại, đồng thời thông báo ngay cho lực lượng công an và chính quyền địa phương khi thấy những hành vi, những biểu hiện vi phạm pháp luật, đừng vội tham gia nếu không muốn "tiền ảo khảo tiền thật”.
Tấn Đạt