Yên Bái: Giáo dục đạo đức, lối sống - nhiệm vụ quan trọng, chiến lược

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/8/2019 | 8:16:32 AM

YênBái - Nghị quyết số 29 NQ-TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã xác định: “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, phát huy tốt nhất khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống tốt và làm việc tốt”.

Một giờ tìm hiểu về Bác Hồ của cô và trò Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái.
Một giờ tìm hiểu về Bác Hồ của cô và trò Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019 của Bộ GD&ĐT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: ngành GD&ĐT, các địa phương cần tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên (HSSV); đổi mới nhanh công tác quản lý giáo dục, đã cho thấy sự cấp thiết của vấn đề trong tình hình mới hiện nay. 

Trong những năm qua, ngành GD&ĐT Yên Bái đã tăng cường công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho học sinh. Các cơ sở giáo dục đã đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá các môn học như: Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục chính trị cho HSSV trong chương trình giáo dục hiện hành; triển khai giảng dạy bộ tài liệu hướng dẫn "Giáo dục kỹ năng sống trong các môn học” ở các cấp học phổ thông. 

Đồng thời, tiếp tục triển khai các nội dung xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực; tổ chức hướng dẫn học sinh tham gia Cuộc thi "Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2019; xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử trong trường học, tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường. 

Thực hiện tốt việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học; đổi mới đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học; tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; quan tâm phát triển đội ngũ tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán, giáo viên chủ nhiệm lớp. 

Cùng với đó, các cơ sở trường học đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp như: giáo dục trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, giáo dục giới tính, kỹ năng sống,...; tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao trong cán bộ, giáo viên và học sinh, tạo môi trường sư phạm thân thiện, tích cực, an toàn để trẻ em, học sinh tạo thói quen tốt, hoàn thiện nhân cách, kỹ năng sống tốt, nâng cao ý thức trách nhiệm công dân. 

Đồng thời, tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên cốt cán về công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho HSSV, cán bộ Đoàn, Đội... Đối với các trường PTDTBT, PTDTNT trên địa bàn toàn tỉnh hầu hết đều được tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe học sinh; hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp, dạy nghề... 

Nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục chủ động tham mưu đề xuất với chính quyền địa phương, ngành công an và các lực lượng xã hội ở địa phương triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh, trật tự trường học, phòng chống bạo lực học đường. Trong năm học 2018-2019, các cơ sở giáo dục xác định các nhiệm vụ như tăng cường các nguồn lực, tham mưu, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác chính trị tư tưởng và công tác học sinh; tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm giáo dục chính trị, tư tưởng... 

Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện nghiêm túc quy chế đánh giá xếp loại học sinh của Bộ GD&ĐT; đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, không nặng về hình thức và tránh bệnh thành tích, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học, đảm bảo công bằng, khách quan. 

Đến nay, 100% HSSV các  nhà  trường  được  tuyên truyền về nghị quyết của các cấp ủy Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác HSSV. Tất cả các nhà trường, cơ sở giáo dục, đào tạo trong tỉnh xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa. Ở các cấp học, xếp loại hạnh kiểm khá tốt đều đạt 99% trở lên...

Giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, quan trọng, đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư thích đáng. Đầu tư cho giáo dục, trong đó có giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa và lý tưởng cách mạng cho HSSV là đầu tư cho tương lai của đất nước. 

Thanh Ba

Tags ngành GD&ĐT Yên Bái học sinh cơ sở giáo dục nhà trường

Các tin khác
Ông Dương Đình Chiến - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Yên Bái (đứng giữa) tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn tại thành phố Yên Bái.

Không phải tiền bạc, cũng chẳng phải những thứ vật chất đắt tiền mà hơn thế nó còn ẩn chứa trong đó tình cảm và lòng tin - đó là tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Đây thực sự là một món quà đầy ý nghĩa mà ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) đang dùng để trao tặng cho những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn như một nghĩa cử cao đẹp.

Lãnh đạo Sở Tư pháp và TAND tỉnh ký kết Chương trình phối hợp.

Chiều 15/8, Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp về phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và hòa giải ở cơ sở, giai đoạn 2019 - 2023.

Chiều 15/8, Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2018 – 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020; sơ kết 3 năm thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 – 2020.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục