Thầy giáo Đào Trọng Hai - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Trường chúng tôi nằm ở vùng khó khăn, với gần 100% học sinh là người dân tộc thiểu số. Trước đây, nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa quan tâm đến việc học tập của con em, thêm vào đó giao thông đi lại khó khăn, số học sinh ở xa trường thường xuyên nghỉ học khiến tỷ lệ chuyên cần đạt thấp, gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục. Trước những thách thức đó, các thầy cô nhà trường luôn trăn trở làm sao phải nâng cao được chất lượng giáo dục ở địa phương, từ đó thay đổi tư tưởng của người dân trong việc học của con em mình. Với sự đồng lòng quyết tâm của tập thể nhà trường, những giải pháp hiệu quả được đưa ra đến nay đã có những thay đổi rõ rệt, chất lượng giáo dục được nâng lên”.
Nhà trường xác định, để nâng cao chất lượng giáo dục trước tiên phải giảm thiểu học sinh bỏ học. Nhiệm vụ này là khó khăn nhưng chỉ thực sự gần dân, tạo được niềm tin đối với phụ huynh học sinh thì mới có thể thực hiện được.
Cán bộ quản lý, giáo viên đã tích cực xuống tận nhà học sinh trong các dịp lễ, tết, ngày hội hoặc các công việc của thôn bản để tìm hiểu phong tục, giúp đỡ nhân dân, các gia đình học sinh nghèo để phụ huynh và học sinh tin tưởng hơn.
Cùng với đó, nhà trường nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, phối hợp với trưởng thôn, bản vận động học sinh ra lớp, học tập tốt cũng như động viên khen thưởng kịp thời. Nhờ đó, 2 năm học 2017 - 2018 và 2018 - 2019 không có học sinh không ra lớp hoặc bỏ học, tỷ lệ duy trì đạt 100%, trong khi những năm trước đây, hàng năm đều có từ 1 - 10 học sinh bỏ học hoặc không ra lớp sau hè.
Với đặc thù của địa phương, bên cạnh việc bám sát nội dung, kế hoạch chung của Bộ và Sở GD&ĐT, nhà trường tiếp tục tinh giản những nội dung giảng dạy vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; xây dựng kế hoạch giáo dục của từng môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, thực hành pháp luật. Tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa theo hướng hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp với nội dung học tập và đặc điểm tâm sinh lý của học sinh.
Thầy giáo Đào Trọng Hai chia sẻ: "Song song với đó, nhà trường chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán các môn học, động viên giáo viên nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, sáng kiến kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng giảng dạy một cách thiết thực. Đồng thời, phát động phong trào ứng dụng sáng kiến, kinh nghiệm, tự sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng, cải tiến, tự làm đồ dùng dạy - học trong tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh".
Cơ sở vật chất cũng là bài toán khó ở Trường TH&THCS Kiên Thành, nhất là khi thực hiện đề án sát nhập các điểm lẻ về điểm chính, nhà trường tăng số lượng học sinh bán trú ở nội trú từ 48 em lên 191 em. Thiếu về phòng học, bàn ghế, phòng ở, giường chiếu, khu vệ sinh, hệ thống cấp thoát nước, nhà ăn không có, bếp ăn không đáp ứng được yêu cầu.
Trước tình hình đó, nhà trường tham mưu với các cấp ủy, chính quyền và vận động ủng hộ từ phụ huynh học sinh, các doanh nghiệp bằng hiện vật, ngày công để hoàn thiện xây dựng cơ sở vật chất. Vận động các đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ xã, Hội Phụ huynh học sinh xây dựng khuôn viên nhà trường, làm đường nước, xây dựng thư viện ngoài trời, không gian lớp học...
Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, chất lượng giáo dục đại trà ngày càng được nâng lên, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp chuyển cấp đạt 100%, học sinh hoàn thành chương trình lớp học và chuyển cấp cũng tăng lên.
Lần đầu tiên trong 12 năm qua, nhà trường đã thành lập được đội tuyển và đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp huyện.
Và cũng lần đầu tiên trong vòng 10 năm trở lại đây, nhà trường có 4 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện và dự kiến có 2 giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh được tổ chức vào năm 2020.
Minh Tư