Theo các chuyên gia y tế, mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho kiến ba khoang phát triển, vì vậy người dân tăng cường các biện pháp phòng ngừa, bình tĩnh thực hiện các biện pháp sơ cứu để tránh tổn thương lan rộng khi bị kiến đốt.
Bò lên cả giường bệnh
Anh Nguyễn Văn Nam (ngụ quận 8, TPHCM) cho biết, anh đang chơi với con thì cảm nhận có côn trùng bò trên cổ. Theo phản xạ, anh lấy tay đập mạnh. Một ngày sau, vết thương bắt đầu lan rộng và ăn sâu gây cảm giác ngứa, đau rát. Đến gặp bác sĩ, anh được xác định bị nọc độc của kiến ba khoang gây viêm, nhiễm trùng da.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Minh Thư, ngụ tại một chung cư trên đường Lê Văn Khương, quận 12, cho biết cứ khoảng 8 - 9 giờ tối đã thấy kiến ba khoang bám chi chít vào tường, bóng đèn và trên ghế sofa trong nhà. Nhiều nhà khác trong chung cư cũng bị kiến ba khoang tấn công. Thậm chí, có nhà có con nhỏ, bị kiến đốt nhưng cứ nghĩ bị zona thần kinh. Sau đi khám mới biết là bị kiến ba khoang đốt.
Còn tại ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM (quận Thủ Đức), nhiều sinh viên cho biết luôn trong tình trạng mất ăn, mất ngủ lo sợ bị kiến ba khoang đốt khi ngày nào cũng phát hiện kiến bò trong phòng. Nhiều sinh viên đã từng là nạn nhân của kiến ba khoang do không được sơ cứu kịp thời, gây tổn thương cho da, ảnh hưởng đến sức khỏe và thẩm mỹ.
Trước thực trạng kiến ba khoang hoành hành tại các khu dân cư, ký túc xá trường học,... nhiều đơn vị đã dán thông báo tại các bảng tin nhằm khuyến cáo người dân. Trong khi đó, nhiều bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức đang rất lo lắng và cho biết đã thông báo về tình trạng tại bệnh viện này đang xuất hiện bầy kiến ba khoang không chỉ bò trên cửa sổ, tường nhà mà còn bò cả lên giường bệnh.
Gây nhiều tổn thương cho da
Bác sĩ Phan Thị Thùy Thao, Khoa da liễu - Bệnh viện quận 11, cho biết biểu hiện lâm sàng do kiến ba khoang đốt là viêm da ở nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng, tùy theo độc chất xâm nhập qua da. Tổn thương cơ bản có dạng dát đỏ, thành vệt, thành đám, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục.
"Khi bị kiến ba khoang đốt, dùng cồn 70 độ hoặc xà phòng dịu nhẹ rửa sạch vùng da bị thương tổn để giúp giảm khó chịu. Sau đó đến bác sĩ da liễu để được khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị theo hướng zona hoặc giời leo, không tự ý bôi các thuốc màu, lá cây hoặc sử dụng các biện pháp dân gian khác làm cho vết thương bị loét, thậm chí nhiễm trùng”, bác sĩ Phan Thị Thùy Thao khuyến cáo.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), kiến ba khoang xuất hiện nhiều vào mùa mưa, khi độ ẩm cao thuận lợi cho kiến phát triển. Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn.
Kiến ba khoang không chủ động đốt người, cũng không phải loài truyền bệnh. Sau khi mưa xuống, người dân hạn chế bật đèn sáng và mở cửa sổ trong nhà để tránh thu hút kiến ba khoang. Nếu có thể, nên bật đèn ban công, hành lang để thu hút kiến ba khoang từ trong nhà ra ngoài và diệt kiến.
Đặc biệt là nên sử dụng rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí. Cần chú ý giũ sạch chăn, màn, khăn mặt, quần áo trước khi dùng. Tuyệt đối không dùng tay trần để bắt, giết kiến ba khoang. Khi tiếp xúc với kiến ba khoang, cần đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm lót, không tiếp xúc trực tiếp.
(Theo SGGP)