Trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nhân dân vừa là chủ thể vừa là đối tượng bảo vệ. Vì vậy, trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Công an nhân dân (CAND) không ngừng gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân đùm bọc, chở che, giúp đỡ, càng khẳng định: "CAND từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ”.
Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ngày càng nặng nề hơn. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 09 ngày 1/12/2011 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (PTTDBVANTQ) trong tình hình mới”.
Nhằm tôn vinh vai trò to lớn của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, khẳng định truyền thống đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa nhân dân với lực lượng CAND, ngày 13/6/2005, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 19/8 hàng năm là Ngày truyền thống của lực lượng CAND, đồng thời là "Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến được xác định là con đường ngắn nhất để thúc đẩy PTTDBVANTQ, phát huy sức mạnh của nhân dân trong phòng, chống tội phạm. Trong giai đoạn 2006 - 2018, cả nước có 2.080 mô hình trong PTTDBVANTQ, trong đó nhiều mô hình phát huy hiệu quả tốt, như: "Liên kết xây dựng vùng giáp ranh an toàn về an ninh, trật tự”, "Khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về an ninh, trật tự”, "Dòng họ, tộc họ tự quản về an ninh, trật tự”, "Tổ, nhóm liên gia tự quản về an ninh, trật tự”, "Camera phòng, chống tội phạm” và các mô hình: ban bảo vệ dân phố; dân phòng; tổ, đội tự quản an ninh, trật tự; câu lạc bộ phòng, chống tội phạm; tổ tuần tra nhân dân... đã cung cấp cho lực lượng công an hàng triệu tin có giá trị cao, giúp lực lượng chức năng điều tra, khám phá hơn 300.000 vụ án, bắt giữ gần 200.000 đối tượng; triệt phá hàng vạn băng, ổ nhóm tội phạm, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao năng lực làm chủ của nhân dân, tạo môi trường ổn định, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Căn cứ kế hoạch của Công an tỉnh, các đơn vị đã lựa chọn 80 địa bàn đưa vào diện vận động tập trung PTTDBVANTQ, trong đó có 53 địa bàn xã, phường, thị trấn và 27 địa bàn cơ quan, doanh nghiệp, trường học. Trong 6 tháng đầu năm 2019, các đơn vị đã mở hội nghị phát động phong trào tập trung ở 61/80 địa bàn, đạt 77,5%; tổ chức 1.172 buổi học tập tuyên truyền xây dựng PTTDBVANTQ với 176.043 lượt người tham gia học tập, ký cam kết thực hiện các nội quy về đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở.
Qua các buổi học tập, quần chúng nhân dân đã cung cấp 1.153 nguồn tin, trong đó có 708 nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng công an làm rõ 330 vụ việc, xử lý 527 lượt người vi phạm, qua đó đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự tại cơ sở và tích cực tham gia cộng tác với lực lượng công an trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia PTTDBVANTQ.
Ngoài ra, thông qua xây dựng PTTDBVANTQ đã duy trì, củng cố 798 tổ an ninh nhân dân với 3.106 thành viên, 398 tổ an ninh xung kích với 4.618 thành viên, 2.705 tổ tự quản với 36.741 thành viên, 1.651 tổ hòa giải với 8.967 thành viên, đã hòa giải thành công 269 vụ việc mâu thuẫn, xích mích trong nội bộ nhân dân.
Cùng với các địa phương trên cả nước, công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến về công tác giữ gìn ANTT tại Yên Bái từng bước được thực hiện một cách bài bản, thống nhất, ngày càng đi vào chiều sâu, phát huy được tính sáng tạo từ cơ sở, nhân lên sức mạnh đoàn kết của các tập thể, cá nhân trong công tác bảo đảm ANTT.
Cấp ủy, chính quyền đã chú trọng, quan tâm chỉ đạo, tổ chức củng cố, xây dựng, duy trì hoạt động của các mô hình phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh có 227 mô hình phòng, chống tội phạm trong PTTDBVANTQ có nhiều tên gọi khác nhau với 9.509 thành viên.
Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến được xây dựng theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải ở cơ sở, có tính xã hội hóa cao được triển khai thực hiện và được nhân dân đồng tình, tích cực tham gia và đem lại hiệu quả thiết thực, điển hình như: mô hình "Dòng họ Lò tự quản” tại xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên; mô hình "Tự quản về trật tự an toàn giao thông” tại thôn Cát Lem, xã Đại Minh, huyện Yên Bình; mô hình "Bóng điện an ninh” tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn; mô hình "Móc khóa an ninh” tại phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái và hiện nay đang thí điểm mô hình "Zalo an ninh” và "Camera an ninh” tại phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái…
Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: "Sức mạnh của CAND, thành tích mà mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi chiến sỹ công an đạt được trong nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội luôn khởi nguồn từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, từ PTTDBVANTQ. Đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài, lực lượng công an Yên Bái phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng phấn đấu, đồng thời tiếp tục khơi dậy và phát huy vai trò, sức mạnh quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc; tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; chú trọng xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến; duy trì thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, quy chế phối hợp giữa lực lượng công an với các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội nhằm xây dựng thế trận an ninh nhân dân, gắn với thế trận lòng dân vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân, tạo thế chủ động trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự”.
Lê Phiên