Toàn tỉnh hiện có 1.088 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, trong đó có nhiều mô hình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Kết quả đó một phần nhờ có sự vào cuộc tích cực với nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh. Bằng sự đồng hành, hỗ trợ đắc lực để khơi nguồn và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, Hội đã góp phần đặt những "viên gạch” đầu tiên để biến những ước mơ, nhiệt huyết của tuổi trẻ thành hiện thực.
Xác định thế mạnh của thanh niên là sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đã tìm hiểu, phát hiện và hỗ trợ nhiều thanh niên trong việc biến ý tưởng thành hiện thực và đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều thanh niên khởi nghiệp thành công.
Là người đầu tiên được lựa chọn tham gia Dự án khởi nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số do Tỉnh đoàn phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ triển khai tháng 2/2018, đoàn viên Hờ A Sênh - thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên đã được hỗ trợ 300 triệu đồng để khởi nghiệp. Có vốn, Sênh còn được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng cây gỗ lớn xen canh cây dược liệu, kết hợp với nuôi lợn giống thương phẩm và nuôi hươu.
Đến nay, 400 gốc cây gáo vàng, 2.000 gốc sa nhân, 6 tạ nghệ giống, 40 con lợn rừng, hai cặp hươu nuôi lấy nhung của Hờ A Sênh đang phát triển tốt. Hiện đàn lợn nái đã sinh sản được 25 con, hươu cho nhung 2 lần. Dự kiến, khoảng 2, 3 năm nữa, cây sa nhân, cây nghệ và cây gáo vàng sẽ cho thu hoạch hàng năm, hứa hẹn mang lại nguồn thu ổn định.
Phấn khởi vì mô hình đã bước đầu thành công, đoàn viên Sênh chia sẻ: "Kết quả mang lại khá ổn định, ngay trong năm đầu em đã có thu nhập, thời gian tới em sẽ cố gắng chăm sóc tốt mô hình và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Tỉnh đoàn và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh để duy trì và tìm được thị trường tiêu thụ ổn định cho củ nghệ”.
Hiện nay, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cũng đang triển khai nhiều chương trình nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, xây dựng cho họ niềm tin, tâm lý không ngại thất bại, thúc đẩy tính sáng tạo, năng động trong sản xuất, kinh doanh, dám nghĩ, dám làm, trong đó phải kể đến phong trào "1 kèm 1" - nghĩa là 1 doanh nhân kèm cặp, đôn đốc, hỗ trợ tối thiểu 1 mô hình khởi nghiệp.
Là mô hình nhận được sự hỗ trợ của doanh nhân Trần Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh với số vốn 150 triệu đồng dưới hình thức cho vay không lãi, mô hình khởi nghiệp trồng rau an toàn trong nhà lưới theo đúng quy chuẩn của thanh niên Nguyễn Mạnh Hiếu - thôn Minh Long, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái đang cho hiệu quả tốt.
Hiếu cho biết: "Khởi nghiệp đối với người trẻ như em là một cuộc chơi mạo hiểm. Song em may mắn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của anh Dũng trong suốt quá trình xây dựng mô hình, em đã có cái nhìn đúng về khởi nghiệp bắt đầu từ ý tưởng đến hiện thực”.
Từ hiệu quả của phong trào "1 kèm 1”, thời gian tới, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện mô hình "1 kèm nhiều”, có nghĩa là 1 doanh nhân kèm nhiều hộ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế và mô hình "nhiều kèm 1”, nghĩa là nhiều doanh nhân giúp thanh niên có vốn, có kiến thức, kỹ năng để khởi nghiệp.
Anh Bùi Thanh Dân - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cho biết: "Đồng hành, hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp vẫn luôn là "chìa khóa” quan trọng, hữu hiệu, khơi dậy ở nhiều bạn trẻ ý chí lập nghiệp. Vì thế, thời gian tới, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, mở nhiều hướng khác nhau để đồng hành và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong giới trẻ. Hội Doanh nhân trẻ tỉnh sẽ luôn quan tâm đến các mô hình thanh niên đang phát triển kinh tế trong toàn tỉnh để bồi đắp lý tưởng, khát vọng khởi nghiệp và hỗ trợ, đào tạo giúp các bạn có đủ điều kiện để nâng tầm, thành lập doanh nghiệp, từ đó tạo ra cộng đồng doanh nhân trẻ mới lớn mạnh và bền vững, góp sức đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới”.
Chi Nguyễn