Hiệu quả từ Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học ở Văn Chấn

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/9/2019 | 7:51:15 AM

YênBái - Từ năm học 2016 - 2017 đến nay, toàn huyện đã sáp nhập 11 trường, 41 điểm lẻ; quy mô giảm 37 lớp, tăng 2.203 học sinh; đưa 95 lớp, 2.230 học sinh từ điểm lẻ về điểm chính.

Một giờ học của các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Lành.
Một giờ học của các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Lành.

Đúng một năm trước, cũng vào dịp khai giảng năm học mới 2018 - 2019, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn phải chịu hậu quả nặng nề do bão lũ gây ra. Cầu, cống bị cuốn trôi, giao thông chia cắt khiến nhiều phụ huynh học sinh ở các thôn, bản xa các điểm trường muôn vàn lo lắng. 

Rồi còn khó khăn hơn khi thực hiện chủ trương sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học, xã phải chuyển điểm trường lẻ bậc tiểu học ở thôn Nà La về trường trung tâm. Nhưng lo lắng đã được giải tỏa khi nhà trường và phụ huynh tìm được tiếng nói chung, các em học sinh ở 4 thôn, bản xa xôi của xã đã về học bán trú tại trường. Nhờ đó, nhiều bậc phụ huynh không còn mất thời gian, công sức đưa đón con em mình hàng ngày và yên tâm lao động sản xuất. 

Sau một năm cho con học bán trú tại Trường Tiểu học Sơn Lương, anh Hà Văn Viết, thôn Bản Tủ chia sẻ: "Chúng tôi làm nông nghiệp nên việc đưa đón con em đến trường mất rất nhiều thời gian. Nay các cháu ăn, nghỉ, học tập tại trường, gia đình rất phấn khởi. Thấy cháu ngoan, học hành tiến bộ chúng tôi cũng rất mừng và không phải lo lắng mỗi khi vào mùa mưa lũ”.

Là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, trước đây Sơn Lương có 10 thôn, bản, trong đó có 4 thôn, bản cách xa các điểm trường từ 10 - 15 km. Mặc dù, người dân ở các thôn, bản này đều sản xuất nông nghiệp nhưng do đường sá đi lại khó khăn lại bị chia cắt bởi các khe suối nên phụ huynh đều phải đưa đón con em hàng ngày. 

Thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học, sau khi chuyển điểm trường Nà La về trường trung tâm, việc đi lại của nhiều học sinh còn khó khăn hơn. Trước thực trạng đó, Trường Tiểu học Sơn Lương đã kiến nghị các cấp cho thực hiện mô hình trường phổ thông bán trú. 

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngay trong năm đầu tiên sáp nhập, nhà trường đã từng bước khắc phục khó khăn, tổ chức dạy học kết hợp với dạy kỹ năng sống cho các em nhất là các em ở bán trú. Thông qua việc tổ chức các chương trình ngoại khóa, ngoài giờ học đã động viên các em đến trường, đến lớp, góp phần duy trì sĩ số đạt 98 - 100%, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. 

Cô giáo Bùi Thị Phượng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Sơn Lương cho biết: "Sáp nhập điểm trường Nà La về điểm trường chính, Nhà trường có gần 140 học sinh được ở bán trú. Đánh giá cuối năm học 2018 - 2019, tỷ lệ học sinh khá giỏi đạt 58%, tăng trên 5% so với năm học trước. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi trong các em được ở bán trú cũng cao hơn các em không được ở bán trú. Đặc biệt là thể trạng sức khỏe, cân nặng của các em đều tăng hơn so với đầu năm học”. 

Song song với việc sáp nhập các điểm trường lẻ về điểm trường chính, huyện Văn Chấn cũng chỉ đạo sáp nhập các đơn vị trường THCS với tiểu học, tiểu học với mầm non, trên cơ sở các trường có địa điểm, vị trí tương đồng. Theo đó, từ năm học 2016 - 2017 đến nay, toàn huyện đã sáp nhập 11 đơn vị trường, 41 điểm lẻ; quy mô giảm 37 lớp, tăng 2.203 học sinh; đưa 95 lớp, 2.230 học sinh từ điểm lẻ về điểm chính. 

Hiện toàn huyện có 79 đơn vị trường, giảm 11 đơn vị trường so với năm 2016, trong đó giảm 2 trường mầm non độc lập; giảm 10 trường tiểu học độc lập; giảm 8 trường THCS độc lập; tăng 9 trường TH&THCS. Đồng thời, tăng 3 trường phổ thông dân tộc bán trú, 2 trường phổ thông có học sinh bán trú; số học sinh được ở bán trú tăng 949 học sinh, trong đó tiểu học tăng 1.005 học sinh, THCS giảm 56 học sinh. 

Có thể khẳng định, sau 3 năm thực hiện Đề án Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học đối với giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non trên địa bàn huyện Văn Chấn đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Trong quá trình thực hiện, Phòng  giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, tham mưu với các cấp triển khai Đề án đến toàn thể cán bộ, nhân dân trong huyện một cách tích cực, hiệu quả. Các xã, thị trấn đã phát huy vai trò làm chủ tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong phụ huynh học sinh. 

Hàng năm, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các trường phối hợp với các xã, thị trấn rà soát, xây dựng kế hoạch, đề xuất phương án sắp xếp quy mô lớp, học sinh cho phù hợp, đúng quy định. Đồng thời, thực hiện tốt việc rà soát nhu cầu và kịp thời đề xuất đầu tư cơ sở vật chất cho các trường tại địa phương. Từ năm 2018 đến nay, toàn huyện đã được đầu tư 60 công trình, dự án cho giáo dục với tổng kinh phí trên 160 tỷ đồng. 

Ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước, huyện đã huy động được trên 11,7 tỷ đồng vốn xã hội hóa giáo dục do các tập đoàn, các tổ chức, đơn vị, cá nhân tài trợ. 



Sáp nhập các điểm trường lẻ về trường chính giúp các em học sinh có điều kiện học tập tốt hơn. 

Ông Lê Quang Minh - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Chấn cho biết: "Việc sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo điều kiện để các địa phương, các trường quy hoạch lại các cơ sở giáo dục theo hướng tinh gọn, hiện đại, đáp ứng yêu cầu giáo dục trong giai đoạn hiện nay”. 

Mục tiêu của Đề án đến năm 2020, huyện Văn Chấn sẽ đưa 81 điểm trường lẻ về với điểm trường trung tâm. Đến nay, đã có 61 điểm lẻ đủ điều kiện sáp nhập về các điểm trường chính, trong đó 41 điểm đã sáp nhập hoàn thiện. 

Năm học 2019 - 2020, ngành GD&ĐT huyện sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh và triển khai kế hoạch sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp học. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thiện toàn bộ các nội dung, mục tiêu của Đề án, góp phần ổn định quy mô, mạng lưới trường, lớp học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Một năm học mới sắp bắt đầu, dù vẫn còn những khó khăn nhất định, song ngành GD&ĐT huyện Văn Chấn đang nỗ lực quyết tâm thực hiện việc sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp trên địa bàn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, toàn diện giáo dục. 

Bên cạnh việc rà soát, điều chỉnh và tiếp tục thực hiện kế hoạch lộ trình sắp xếp, sáp nhập của một số đơn vị trường, điểm trường, ngành đã tổng hợp nhu cầu đội ngũ, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên, nhân viên sau sắp xếp. Từ đó, đề xuất với các cấp, đáp ứng đầy đủ, kịp thời về số lượng, chất lượng, cơ cấu theo từng ngành học, cấp học. 

Đồng thời, phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện trong việc rà soát, xây dựng kế hoạch, đề xuất đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bố trí đội ngũ, tài chính và mọi nguồn lực khác nhằm thực hiện Đề án một cách hiệu quả, đúng lộ trình. 

Song song với thực hiện các nhiệm vụ của Đề án, ngành GD&ĐT huyện Văn Chấn đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp để duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục; thực hiện tốt nội dung chương trình dạy học. 

Các trường tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tích cực, chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đẩy mạnh công tác xã hội hóa để mua sắm các trang thiết bị, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất hiện có, xây dựng cảnh quan trường lớp xanh - sạch - đẹp, đồng bộ, hiện đại, góp phần hoàn thành Đề án và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Ngọc Sơn

Tags Hiệu quả đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường Văn Chấn giáo dục Yên Bái Nậm Lành

Các tin khác

Năm học mới đã đến, đây là thời điểm hầu hết các em học sinh có nhiều tâm trạng, cảm xúc đan xen, đặc biệt là đối với những em bước vào đầu các cấp học mới. Vậy nên, các bậc phụ huynh hãy là người bạn đồng hành cùng con, giúp con có tâm thế tự tin, vững vàng, tràn đầy năng lượng bước vào năm học mới.

Màn đồng diễn thể dục dưỡng sinh do hội người cao tuổi biểu diễn.

Ngày tết Độc lập 2/9 năm nay, thị xã Nghĩa Lộ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để thu hút khách du lịch, tạo không khí phấn khởi, thi đua cán bộ đảng viên, nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Tuổi trẻ Trạm Tấu khai hoang ruộng bậc thang tại xã Bản Công, huyện Trạm Tấu.

Trong bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh 50 năm trước, ngay sau khi nói về Đảng, Người căn dặn: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ.

Từ đây, Công an tỉnh Yên Bái được Đảng quan tâm lãnh đạo, được nhân dân các dân tộc hết lòng thương yêu giúp đỡ, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân viết nên trang sử vàng chói lọi trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục