Người dân không nên lo lắng trước những thông tin về bệnh Whitmore

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/9/2019 | 8:22:39 AM

YênBái - Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Yên Bái xuất hiện bệnh do nhiễm vi khuẩn Whitmore, tỷ lệ tử vong rất cao khi mắc phải. Để cung cấp thông tin về căn bệnh, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Hồng Vân - Phó Giám đốc Sở Y tế xung quanh vấn đề này.

Những người có hệ miễn dịch suy yếu sẽ có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh whitmore cao hơn người khoẻ mạnh. Ảnh internet
Những người có hệ miễn dịch suy yếu sẽ có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh whitmore cao hơn người khoẻ mạnh. Ảnh internet


P.V: Xin bà cho biết tình hình và diễn biến của bệnh Whitmore trên địa bàn tỉnh?

Bà Lê Thị Hồng Vân: Bệnh Whitmore do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei tồn tại trong môi trường tự nhiên gây ra. Con người có thể mắc bệnh Whitmore khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn này. Đây là bệnh ít gặp, khó lây từ người sang người, không gây thành dịch nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những người mắc bệnh mạn tính. 

Đến thời điểm hiện tại, y học chưa ghi nhận được trường hợp nào lây nhiễm bệnh Whitmore từ người sang người, côn trùng cũng chưa được tìm thấy là tác nhân truyền bệnh. Vi khuẩn gây bệnh được tìm thấy trong nước và đất. 

Do đó, các con đường nhiễm bệnh là 3 trường hợp sau: hít phải bụi bẩn có chứa vi khuẩn; ăn thức ăn hoặc uống nước bị nhiễm khuẩn; tiếp xúc với đất hoặc nước bị nhiễm khuẩn, hay gặp nhất là qua các vết trầy xước trên da. Bệnh gặp ở tất cả các độ tuổi, không phân biệt giới tính, gặp nhiều hơn ở người có nghề nghiệp tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên với đất, nước.


Bệnh Whitmore dễ bị mắc ở những người có các bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh thận, bệnh phổi, suy giảm miễn dịch. Tại Việt Nam, ca bệnh đầu tiên phát hiện là tại Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh vào năm 1925. 

 

Bà Lê Thị Hồng Vân - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái. 

Tại Yên Bái, theo báo cáo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ đầu năm đến nay có 6 trường hợp bị mắc bệnh Whitmore, trong đó, có 4 ca tử vong do đến bệnh viện muộn và 2 ca gần đây đã được Bệnh viện cứu sống thành công (bệnh nhân ở huyện Văn Yên ra viện cuối tháng 7/2019 và một bệnh nhân ở huyện Lục Yên nhập viện vào trung tuần tháng 9/2019).  

P.V: Hiện nay, có tình trạng người dân lo lắng khi biết thông tin về bệnh này, xin bà cho biết triệu chứng và cách điều trị bệnh này như thế nào?

Bà Lê Thị Hồng Vân: Bệnh Whitmore có biểu hiện triệu chứng rất đa dạng nên rất khó để chẩn đoán bệnh, dễ chẩn đoán nhầm với nhiều bệnh khác. Bệnh có thể có sốt cao, đau cơ, có biểu hiện khu trú bằng các ổ nhiễm khuẩn trên da, viêm mủ tuyến nước bọt mang tai, viêm phổi, apxe ở lách và thận… 

Vi khuẩn có thể vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não. Vì vậy, bệnh dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh viêm da, viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như liên cầu, tụ cầu. 

Chẩn đoán dựa vào các yếu tố dịch tễ như tiếp xúc với đất, nước, bụi, các dấu hiệu lâm sàng và có kết quả định danh vi khuẩn Burkholderia pseudomallei từ các mẫu bệnh phẩm như: máu, mủ, đờm, nước tiểu, hoặc dịch não tủy. 

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh Whitmore, điều trị căn nguyên bệnh Whitmore bằng sử dụng các kháng sinh, kèm theo đó là điều trị các triệu chứng, các biến chứng kèm theo và chăm sóc, điều dưỡng phục hồi sức khỏe người bệnh. 

P.V: Vậy, ngành y tế tỉnh đã triển khai những giải pháp gì, thưa bà? 

Bà Lê Thị Hồng Vân: Như đã nói ở trên, bệnh Whitmore không phải là bệnh gây dịch (bệnh chưa có trong danh mục các bệnh truyền nhiễm phải báo cáo theo quy định tại Thông tư 54 ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế). Chưa phát hiện lây từ người sang người, hoặc lây từ động vật hay côn trùng truyền bệnh sang người nên chúng ta không nên quá hoang mang, lo sợ. Con người có thể mắc bệnh Whitmore khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bị nhiễm vi khuẩn. 

Đặc biệt, là qua các vết trầy xước trên da. Vì vậy, để phòng tránh bệnh nên thực hiện nghiêm túc theo 5 khuyến cáo của Bộ Y tế như sau: hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng; sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao; khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. 

Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh; những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn; khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei và điều trị kịp thời.

Vì bệnh chưa có vắc xin phòng nên giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là tuyên truyền sâu, rộng để mỗi người dân tự thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh theo 5 khuyến cáo nêu trên của Bộ Y tế. 

Trong đó, ngành Y tế tập trung công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe về chủ đề này trong thời gian tới, đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền tới người dân, đảm bảo người dân biết cách phòng bệnh mà không hoang mang lo sợ; triển khai công tác đào tạo lại, cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế các tuyến để sớm nhận biết các dấu hiệu đầu tiên nghi ngờ bệnh để chẩn đoán và điều trị kịp thời; tăng cường phát triển kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán vi sinh vật gây bệnh. 

Đặc biệt, củng cố hướng dẫn kỹ thuật lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm đúng quy định cho y tế tuyến cơ sở; chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hóa chất và các trang thiết bị phục vụ điều trị để hạn chế thấp nhất tử vong.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Trần Minh (thực hiện)

Tags Whitmore vi khuẩn vết thương hở vết loét

Các tin khác
Tiến sĩ Takeuchi Momoe - chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới phát biểu.

Ngày 17/9, tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày An toàn người bệnh Thế giới lần thứ nhất 17/9/2019”.

Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp phản ánh thông tin có một số bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Whitmore. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm hiếm gặp do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên với tỉ lệ tử vong rất cao. Để hiểu rõ hơn về căn bệnh, cách phòng và điều trị, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ, bác sỹ chuyên khoa II Nông Văn Hách - Trưởng khoa Nội AB, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.

Cán bộ xã Phong Dụ Thượng kiểm tra ngầm tràn và các vị trí xung yếu trong mùa mưa lũ.

Phong Dụ Thượng là xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên, địa hình chủ yếu là đồi núi có độ dốc lớn và nhiều khe suối nhỏ như Khe Than, Khe Mạng, Khe Niểng, Khe Thép...; khoảng 1/3 diện tích đất nông nghiệp hay bị ngập sâu và sạt lở thuộc các thôn: Làng Chạng, Cao Sơn, Làng Than...; nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao như: đầu nguồn Khe Cóoc, Phiêng Hốt, Phiêng Pạt (thôn Cao Sơn), khu vực Nà Lào, Nà Nghè (thôn Làng Than) và Khe Tắm (thôn Làng Chạng).

Thanh âm đại ngàn.

Khèn Mông là loại nhạc cụ giữ vai trò trọng yếu trong đời sống, sinh hoạt văn hóa của dân tộc, thể hiện rõ nhất tâm linh, tín ngưỡng, truyền thống của dân tộc Mông. Chính vì vậy, loại nhạc cụ này được ví là linh hồn người Mông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục