Qua bình xét, năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 158.767/208.245 hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa (đạt 76,2%). Từ tổ chức ký cam kết thực hiện các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ… đã từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh có phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Năm 2018, 1.069/1.332 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn văn hóa, chiếm tỷ lệ 80%.
Từ xây dựng môi trường văn hóa, nhân dân đã tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công lao động để cải tạo, nâng cấp các công trình tại nơi sinh sống, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo. Không chỉ các thiết chế văn hóa được quan tâm xây dựng, tình làng nghĩa xóm được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ý thức của người dân về chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng ngày càng nâng cao...
Qua bình xét, năm 2018 có 1.315/2.263 làng, bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa (đạt tỷ lệ 58%); 83 xã đăng ký xây dựng văn hóa nông thôn mới; 19 phường, thị trấn đăng ký xây dựng văn minh đô thị; 17 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 9 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
Từ "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức và sáng tạo”, ngành giáo dục đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là giáo dục mũi nhọn. Trong 5 năm (2014-2019), tỉnh Yên Bái có 140 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia, 1 giải học sinh giỏi quốc tế. Thực hiện Quyết định số 26/QĐ-UBND ngày 23/7/2012 của UBND tỉnh quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn, việc cưới, việc tang cơ bản được tổ chức phù hợp với đặc điểm, điều kiện, phong tục tập quán tốt đẹp của từng địa phương, dân tộc; các hủ tục lạc hậu trong cưới xin (thách cưới, ép duyên, bắt vợ…); ma chay (để thi thể lâu ngày, cúng ma, thiêu củi) được đẩy lùi; tình trạng tảo hôn giảm đáng kể.
Công tác quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội được thực hiện đúng quy định, đảm bảo trang trọng, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với quy mô, nội dung lễ hội.
Những kết quả đạt được trong xây dựng môi trường văn hóa thời gian qua là đáng ghi nhận, tuy nhiên thẳng thắn nhìn nhận, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn; tình trạng ly hôn và nhiều vụ án hình sự vẫn diễn ra…
Để thực hiện mục tiêu xây dựng Yên Bái thành tỉnh phát triển trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc, xây dựng môi trường văn hóa như mục tiêu Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khoá XI về "Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” cần tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh không phải là cái gì đó cao siêu, xa vời, trái lại là những việc rất cụ thể mà từng gia đình, từng địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức và cả cộng đồng đều có thể tạo dựng được.
Đó là giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; là nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức, giúp con người nhận thức được trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội, biết tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, biết quý trọng cái cao thượng và tính nhân văn - đây cũng chính là mục tiêu xây dựng con người Yên Bái với các đặc trưng "Tự tôn, tự trọng, tự hào, nhân ái, nghĩa tình, thân thiện, đoàn kết, cần cù, sáng tạo” mà chúng ta đang nỗ lực hướng tới.
Đình Tứ